Một người Anh đã thu được kết quả đáng kinh ngạc cho một thử nghiệm táo bạo, bắt đầu từ năm 1960: một khu vườn sinh sôi phát triển trong bình đóng kín hoàn toàn suốt 40 năm qua với lần tưới nước gần nhất là từ năm 1972.


{keywords}

Ông David Latimer và khu vườn trong bình kín 54 tuổi của mình. Ảnh: BNPS

Mới đây, David Latimer - một cụ hưu trí ở Surrey, Anh đã tiết lộ với chương trình Gardeners' Question Time thuộc kênh phát thanh BBC Radio 4 về khu vườn độc nhất vô nhị, gần 54 năm tuổi của mình.

Theo lời ông Latimer, suốt hơn 40 năm qua, khu vườn đã bị nhốt kín trong một chiếc bình thủy tinh có dung tích 10 gallon (gần 38 lít), cách ly hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều cây rau trai, danh pháp khoa học là Tradescantia, vẫn sinh trưởng mạnh mẽ bên trong chiếc bình hình cầu, tạo nên vẻ xanh tươi thường thấy như ở bất kỳ khu vườn ngoài trời nào khác.

Ổng Latimer kể, vào ngày Chủ nhật dịp lễ Phục sinh năm 1960, ông đã nảy ra ý định bắt đầu khởi tạo một khu vườn trong bình thủy tinh. Ông đã đổ một ít phân trộn vào bên trong một chiếc bình hình cầu sạch, từng được sử dụng để chứa axit sulphuric, sau đó cẩn thận dùng một đoạn dây điện thả các cây giống vào đó, rồi tưới 120ml nước.

Mãi tới năm 1972, ông Latimer mới lại tưới nước cho khu vườn lần thứ hai. Sau đó, ông bôi mỡ vào nút của bình để nó nút chặt hơn và không tưới nước kể từ đó.

Chuyên gia thiết kế vườn kiêm người dẫn chương trình Chris Beardshaw nhận định, việc khu vườn trong bình kín của ông Latimer vẫn sống xanh tốt sau hàng chục năm là minh chứng cho khả năng tái sinh tuyệt vời của cây. 

Khu vườn vẫn tồn tại được, vì môi trường đóng kín đã tạo ra một hệ sinh thái tự túc hoàn toàn, trong đó, thực vật có thể sống sót nhờ sử dụng quá trình quang hợp để tái tạo các chất dinh dưỡng. Nguồn sống duy nhất từ bên ngoài cần cho sự sinh trưởng của cây là ánh sáng, vì nó mang tới cho thực vật năng lượng thiết yếu để tự tạo thức ăn và tiếp tục phát triển.

{keywords}

Vị trí ông Latimer đặt khu vườn để các cây vẫn có thể tận dụng ánh sáng - nguồn sống duy nhất từ bên ngoài cho quá trình quang hợp, duy trì sự sống. Ảnh: BNPS

Quá trình quang hợp của cây đối lập với quá trình hô hấp tế bào, trong đó các hyđrat cácbon chứa năng lượng phản ứng với oxy để tạo ra cácbon đioxit (CO2), nước và giải phóng năng lượng hóa học. Hệ sinh thái trong bình đã sử dụng quá trình hô hấp tế bào để phân hủy các vật liệu thối rữa do cây thải ra. Trong đó, các vi khuẩn bên trong đất trồng vườn hấp thu oxy thải loại từ cây và giải phóng CO2 mà cây đang sinh trưởng có thể tái sử dụng.

Và tất nhiên, vào ban đêm, khi không còn ánh sáng mặt trời để thúc đẩy quá trình quang hợp, cây cũng sẽ sử dụng quá trình hô hấp tế bào để tự duy trì sự sống bằng cách phân hủy những chất dinh dưỡng đã tích lũy được.

Do khu vườn trong bình là môi trường khép kín nên vòng tuần hoàn nước cũng là quá trình tự túc. Nước trong bình sẽ được các rễ câu hút thấm và giải phóng vào không khí thông qua việc thoát hơi nước, được cô đọng vào hỗn hợp đất trồng, nơi bắt đầu tái lặp toàn bộ chu trình.

Nguyên lý hoạt động trên là một trong những lí do khiến Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nảy ra ý tưởng trồng rau trong không gian.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)