Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện 4 chất hóa học nhân tạo mới đang phá hủy khí ozone ở phía trên bầu khí quyển và dường như làm chậm lại quá trình phục hồi của lỗ thủng trong tầng ozone.
Khu vực lỗ thủng ozone, tính đến tháng 10/2013. Ảnh: NASA |
Lỗ thủng tầng ozon phía trên Nam cực đã tự hàn gắn dần dần kể từ khi một hợp ước quốc tế có tên Nghị định thư Montreal bắt đầu giới hạn việc sản sinh các chất phá hủy ozone vào năm 1989. Những chất chlorofluorocarbon (CFC) này từng được sử dụng phổ biến trong các tủ lạnh, máy điều hòa và bình phun khí dung cho tới khi người ta phát hiện chúng phản ứng và phá hủy các phân tử ozone trong tầng bảo vệ của Trái đất.
Nghị định thư Montreal được tạo ra nhằm cắt giảm đáng kể lượng khí CFC xả thải và cho phép lỗ thủng ozone tự khép kín từ từ, có thể hoàn toàn vào năm 2050. Năm 2010, một lệnh cấm hoàn toàn CFC đã được ban hành, nhưng trong Nghị định thư Montreal vẫn tồn tại một số lỗ hổng cho phép sử dụng các chất này trong sản xuất những sản phẩm nhất định, kể cả một số loại thuốc trừ sâu và dung môi để tẩy rửa thiết bị điện tử.
Hiện, các chuyên gia thuộc Đại học East Anglia (Anh) đã tính toán được rằng, những lỗ hổng trong hiệp ước trên có thể liên quan đến việc thải 82.000 tấn chất phá hủy ozone mới, gồm 3 loại chưa từng biết đến trước đây và một hợp chất liên quan (HCFC) vào khí quyển. Mặc dù lượng khí thải này nhỏ hơn nhiều so với giai đoạn xả thải CFC đỉnh điểm hồi những năm 1980, nhưng chúng đủ để làm chậm quá trình phục hồi của lỗ thủng ozone.
Theo báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Nature Geoscience, để định lượng việc xả thải các hóa chất độc hại mới, nhóm nghiên cứu đã so sánh các mẫu không khí hiện đại với các mẫu không khí gần 100 năm tuổi, bị "bắt nhốt" trong tuyết cổ xưa ở Greenland. Họ không phát hiện dấu vết của bất kỳ hợp chất mới nào trong tuyết từ trước những năm 1960, ám chỉ chúng là sản phẩm nhân tạo.
Nhà nghiên cứu Johannes Laube và các cộng sự thậm chí khám phá ra rằng, việc xả thải 2 trong số 4 chất trên dường như tăng tiến trong vài năm trở lại đây. Điều này có thể dẫn đến sự thoái hóa nghiêm trọng hơn của tầng ozone trong vòng một thập kỷ.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn việc xả thải các hóa chất mới phát hiện có liên quan đến những lỗ hổng pháp lý trong Nghị định thư Montreal hay do sự sản xuất hóa chất trái phép. Tuy nhiên, họ cho rằng, công trình sẽ là tiền đề để kêu gọi sự điều tra kỹ lưỡng hơn về các nguyên nhân tiềm tàng cũng như mang tới cơ hội để siết chặt các lỗ hổng trong hiệp ước quốc tế.
Tuấn Anh (Theo Live Science)