Ô nhiễm nguồn nước Việt Nam đang vượt khỏi khả năng kiểm soát do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh và dịch vụ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh để năng ngừa ô nhiễm nước.

{keywords}
Ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam đang vượt quá khả năng kiểm soát.

Đây là khuyến cáo được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam: Thực tiễn và chính sách” được tổ chức tại Hà Nội, hôm nay, 17/4.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho hay, mặc dù có tài nguyên nước dồi dào, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm nước đang ngày càng gia tăng do không kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm hiệu quả. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ ung thư, sẩy thai và dị tật bẩm sinh, dẫn đến suy giảm nòi giống.

Tại một số địa phương Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, đã thấy 40-50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên – Môi trường, trung bình, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200 ngàn trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở hàng ngàn những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực gắn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị. Các nguồn ô nhiễm khác bao gồm từ các hoạt động nông nghiệp, các khu dân cư. Do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm, và độ bao phủ xuyên biên giới giữa các nước, việc kiểm soát ô nhiễm nước phức tạp và đòi hỏi có một luật riêng với chế tài mạnh và rõ ràng, kết hợp được giữa công nghệ và quản lý, có tính thực thi cao, hệ thống giám sát chuyên nghiệp, nguồn vốn đủ”.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/4.

P.V