Các nhà nghiên cứu Nhật Bản mới đây đã lên tiếng đề nghị giới chức y tế nước này thu thập mẫu máu của các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima Daiichi phòng trường hợp họ không may bị nhiễm phóng xạ cao và cần được cấy ghép tế bào gốc.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Theo các nhà khoa học Nhật, việc thu thập mẫu máu của các công nhân sẽ mang đến cho họ một nguồn tế bào gốc có sẵn, có thể giúp tái phát triển tủy xương của họ trong trường hợp bị nhiễm phóng xạ cao.

Các công nhân mặc đồ bảo hộ làm nhiệm vụ tại lối vào nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima Daiichi ngày 8/4. Ảnh: Reuters

"Nguy cơ của việc vô tình nhiễm phóng xạ trong tương lai vẫn chưa qua vì vẫn còn có hàng loạt cơn dư chấn nghiêm trọng ngay cả trong tháng tư này", trích bài viết của tiến sĩ Shuichi Taniguchi thuộc Bệnh viện Toranomon ở Tokyo và tiến sĩ Tetsuya Tanimoto thuộc Quỹ nghiên cứu ung thư Nhật Bản trên tạp chí y tế Lancet.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu nói, các đội cấy ghép tủy đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở Nhật Bản và châu Âu để thu thập và lưu trữ tế bào của các công nhân nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, Ủy ban An toàn hạt nhân Nhật Bản hiện vẫn do dự vì lo ngại việc này gây ra một "gánh nặng về thể chất và tâm lý cho các công nhân nhà máy điện hạt nhân".

Thu thập các tế bào từ các công nhân có nhiều lợi thế hơn việc sử dụng các tế bào được hiến tặng vốn đòi hỏi phải tìm được một người hiến tặng phù hợp và đối mặt với nguy cơ bị cơ thể từ chối nhận.

Việc cấy ghép tế bào gốc từ chính tế bào của mình sẽ cho phép các công nhân tránh phải dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, giúp họ chống lại các nguy cơ nhiễm trùng tốt hơn. Các tế bào cũng có thể nhanh chóng khôi phục chức năng bình thường để cơ thể tạo ra các tế bào máu mới. Ngoài ra, các tế bào của những người công nhân có thể được thu thập và lưu trữ phòng trường hợp họ bị bệnh bạch cầu, viễn cảnh có thể trở thành hiện thực trong vài năm tới.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận giải pháp trên là không hoàn hảo. Tiếp xúc với bức xạ cao sẽ tấn công các tế bào trong da, đường ruột hoặc phổi - các vấn đề mà việc cấy ghép tế bào gốc không thể chữa trị được.

Dẫu vậy, cả ông Tanimoto và ông Taniguchi đều cho rằng, khi các nỗ lực ngăn chặn và làm sạch tại nhà máy điện hạt nhân bị hư hại có thể còn kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, thì việc tiến hành các bước bảo vệ công nhân khỏi bị tổn hại trong tương lai vô cùng quan trọng.

Một loạt dư chấn mạnh tuần vừa qua đã làm rung chuyển phía đông đất nước mặt trời mọc, làm chậm lại nỗ lực hồi phục tại nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima Daiichi do các cuộc sơ tán công nhân tạm thời và mất điện.

Cuối tuần trước, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), hãng điều hành nhà máy gặp sự cố ở Fukushima, tuyên bố tình hình tại nơi này sau "thảm họa kép" động đất và sóng thần ngày 11/3 hiện đã ổn định. Họ hy vọng sẽ kiểm soát được khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima trong vòng 9 tháng nữa.

  • Thanh Bình