Trong việc giải quyết thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, chính phủ Nhật đang đối mặt với một vấn đề khác mới phát sinh: làm thế nào để thanh tẩy những vùng đã bị nhiễm phóng xạ nặng nề.

TIN LIÊN QUAN

Vào cuối tuần trước, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cho biết mẫu đất lấy từ Iitate, một làng 7.000 dân ở phía Tây bắc, cách nhà máy 25 dặm có nồng độ Cesi-137 - chất phóng xạ phát sinh ra tia gamma độc hại - rất cao, tích luỹ trong dây chuyền thực phẩm và tồn tại dai dẳng trong môi trường hàng trăm năm.

Do phóng xạ tại một trường học tại Fukushima.

Nồng độ Cesi làm xuất hiện vấn đề phải lùi vùng sơ tán ra xa hơn nữa và làm thế nào để “ghìm lại” được nồng độ này trong khi phóng xạ từ nhà máy vẫn đang tăng lên trong nhiều tháng nữa. Nghĩa là việc thanh tẩy đất đai ở vùng xung quanh phải tiến hành đồng thời với xử lý sự cố tại nhà máy.  

Didier Champion, chủ nhiệm Khoa môi trường Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân Pháp nói: “Việc khử phóng xạ Cesi phải thực hiện rất nhanh,vì nó có khuynh hướng bám chặt với các vật liệu và vào đất”. Lawrence Boing, giám đốc các dự án về kỹ thuật hạt nhân tại Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, bang Illinois (Mỹ) đồng ý với ý kiến này: “Xử lý càng sớm càng tốt, nếu không nó sẽ ngấm sâu vào đất làm phức tạp cho việc xử lý”.

Các chuyên gia đều nhận định: Khống chế nồng độ Cesi đến mực an toàn là rất khó và rất tốn kém, tuỳ thuộc vào mức nhiễm phóng xạ. Nồng độ Cesi phóng xạ cao không làm ai ngạc nhiên vì trong những ngày qua, tại vùng xung quanh nhà máy, mưa và gió đều gây bất lợi.

IAEA cũng nhấn mạnh rằng các số liệu ở làng Iitate mới lấy tại một vài điểm và chúng thường xuyên thay đổi.  Cần phải có thêm nhiều số liệu nữa trước khi cân nhắc và quyết định cần làm sạch những nguyên tố phóng xạ ưu tiên cho những vùng nào.  

Một quan chức Mỹ thuộc công ty chuyên làm sạch phóng xạ, ông Boing nói, chi phí của việc khử nhiễm xạ là khá lớn. Nếu nhiệm xạ nặng cách đơn giản nhất là nạo vét và bóc đi lớp đất phủ với độ dày 3 đến 4 inch (cỡ 7,5 đến 10 cm) trên một diện tích rất lớn rồi chở đến một bãi thải an toàn. Tuỳ theo mức độ nhiễm xạ, các công nhân phải mặc quần áo bảo về chống phóng xạ và dùng hoá chất để giữ lại các bụi phóng xạ không phát tán tiếp ra xung quanh.

Bà Yassif, một nhà lý sinh tại Đại hoc California đề xuất: “Để giảm chi phí tại Trecnobưn, ở những vùng không bị nhiễm xạ quá nặng, người ta lấy đất “sạch” ở các nơi khác đến để lấp lên,  thay thế cho việc nạo vét lớp đất phủ và chở đi. Tuy nhiên, bà lưu ý, biện pháp này không dùng được ở vùng đất nông nghiệp, vì Cesi làm giảm năng suất thu hoạch mùa màng.

Ông Dan Coyne phó Chủ tịch CH2M-WG, bang Idaho (Mỹ) có kinh nghiệm làm sạch vùng nhiễm xạ ở bang này cho rằng trước mắt phải phun chất loại hoá chất “hãm” (fixative) để ngăn không cho Cesi tiếp tục lan rộng ra các vùng chưa bị nhiễm xạ cao, tiết kiệm được thuốc xử lý dành cho những vùng ưu tiên.

Đối với các công trình xây dựng và đường xá, phải khử nhiễm xạ bằng cách đơn giản hơn như quét, rửa bằng nước, bằng hơi nước, nếu như Cesi ngấm không quá sâu.

Việc chuyên chở đất đá, rác rưởi với khối lượng lớn như vậy đến các bãi thải cũng đòi hỏi chi phí không nhỏ. Sẽ phải áp dụng cách nén ép để lượng thải bỏ đến nơi an toàn có thể tich nhỏ nhất, bà Yassif nói thêm.

Bảo Châu (Theo New York Times)