Chỉ trong một năm, các bước tiến triển để thiết lập mối quan hệ hệ về hạt nhân dân sự giữa hai nước Việt Mỹ đã đi những bước nhanh chóng và sẽ sớm đi đến hồi kết.
Đúng một năm trước, ngày 17/5/2013 với sự xuất hiện của một Phái đoàn chính sách thương mại hạt nhân Hoa Kỳ đồ sộ ở Hà Nội, giới phân tích Việt Nam và thế giới đã nhìn thấy quyết tâm của chính phủ Mỹ trong chủ trương đầu tư công nghệ hạt nhân dân sự vào thị trường Việt Nam.
Lễ ký Hiệp định 123 giữa Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear ở Hà Nội. Ảnh: VNN. |
Đến 10/10/2013, bắt đầu bước đi chính thức hoá: tại Brunei bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23, hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký tắt một Hiệp định hợp tác giữa hai quốc gia về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân gọi tắt là Hiệp định 123 (đặt tên theo điều khoản số 123 của Luật Năng lượng nguyên tử của Hoa Kỳ về hợp tác hạt nhân với các nước và ban hành năm 1954.
Ngày 24/02/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chính thức chấp thuận bản thỏa thuận với Việt Nam. Tiếp theo, ngày 6/5/2014 ở ngay Hà Nội đã tiến hành lễ ký chính thức trọng thể giữa hai đại diện ủy quyền của Thủ tướng VN và Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ VN và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại VN. Và ngay sau đó, ngày 8/5/2914 Tổng thống Mỹ B. Obama đã đệ trình Quốc hội để bắt đầu xem xét.
Cuộc xem xét hẳn đang diễn ra khẩn trương vì theo luật định chỉ kéo dài trong 3 tháng. Điều gì có thể gây trở ngại phút cuối cho bản Hiệp định Việt Mỹ này? Về phía Mỹ, theo luật lệ hiện hành không thấy có điều gì cản trở lớn. Sau 90 ngày, nếu không có dự luật nào được đệ trình để ngăn cản, thì xem như Hiệp định 123 đương nhiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, tự động có hiệu lực và mở đường cho việc thực thi các thoả thuận cụ thể, kể cả Hoa Kỳ có thể bán lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.
Điều khả dĩ có thể nêu ra là vấn đề liên quan “không phổ biến vũ khí nguyên tử” và khả năng thực thi của phía Việt Nam. Nhưng, bản thân Tổng thống B. Obama, trong một bức thư kèm bản Hiệp định gửi cho Quốc hội, đã tiết lộ rằng, Việt Nam đã đưa ra một "cam kết chính trị" là sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu hạt nhân từ thị trường quốc tế chứ không tìm cách tự sản xuất.
Hình một nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ. |
Và trong thực tế, VN trong quá khứ đã nghiêm túc như thế nào trong việc giải quyết các khâu thay thế các thanh nhiên liệu Uran nghèo cao HEU bằng nhiên liệu Uran nghèo thấp LEU của Lò Hạt nhân Đà Lạt, hẳn các nhà quan sát Mỹ và quốc tế đều nắm rõ. Vậy nhưng, điều bảo đảm cho Hiệp định 123 về quan hê hạt nhân dân sự Việt - Mỹ chính là quyền lợi của mỗi nước trong việc thực thi bản văn kiện đó.
Về phía Mỹ, nước này xem Việt Nam là thị trường mới, là cơ hội đáng chú ý cho các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực Đông Á. Ở khu vực này, Nhật Bản đã có trên 50 tổ máy điện hạt nhân và với sự cố Fukushima, khả năng tăng thêm sẽ không cao. Hàn Quốc đang có trên 20 tổ máy và nhu cầu tăng năng lượng cũng không lớn.
Trong khi, các nhà đầu tư Hoa Kỳ dự đoán, Việt nam có nhu cầu năng lượng lớn: Theo quy hoạch, đến năm 2023, Việt Nam sẽ có 10.700 MW, tương đương với 10 tổ máy hay lò phản ứng hạt nhân. Và đến năm 2050, điện hạt nhân có thể chiếm tỷ trọng khoảng 20-50% sản lượng điện. Như vậy, triển vọng thị trường điện hạt nhân Việt Nam đáng để Hoa Kỳ quan tâm, dù trước mắt còn một số trở ngại vì giá nhập công nghệ hạt nhân từ Mỹ còn khá cao so với các đối thủ cạnh tranh như Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Về phía Việt Nam, Hiệp định 123 có nhiều ý nghĩa trong tương lai. Vì Mỹ là quốc gia có nền hạt nhân hùng mạnh nhất, hợp tác với Mỹ là một cơ hội tốt trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Nhưng điều quan trọng trước mắt là vì chính Mỹ là quốc gia khởi phát và hiện nắm giữ nhiều công nghệ “nguồn”. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp cũng nhập khẩu công nghệ của Hoa Kỳ sau đó mới phát triển thành công nghệ của họ. Việt Nam đang triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân, trong đó dự án nhà máy điện hạt nhân số 2 Ninh Thuận ký với Nhật Bản.
Trong số 4 loại lò phản ứng đề xuất chuyển giao cho Việt Nam như ABWR, MPWR+, AP1000 và ATMEA1, phần lớn có nguồn gốc từ Mỹ, đặc biệt lò nước áp lực kiểu AP 1000 chính của Westinghouse (Hoa Kỳ). Và theo các văn bản luật lệ quốc tế, để tiếp nhận được các lò phản ứng nói trên, một trong những điều kiện tiên quyết là một số Hiệp định phải được ký giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chủ yếu là Hiệp định 123.
Rõ ràng, bản Hiệp định 123 sắp hoàn tất khâu pháp lý là thực sự đáp ứng yêu cầu và quyền lợi của hai phía Việt Mỹ.
Trần Minh