- Sau khoảng thời gian lâu dài không có mối quan hệ hạt nhân dân sự chính thức Việt Mỹ, việc thiết lập mối quan hệ ấy là nguyện vọng chung của hai quốc gia. Và sự khởi đầu đã diễn ra, dù không lâu, mới một năm trước, nhưng đã tiến triển thuận lợi.
Ngày 17/5/2013 nước Mỹ đã chứng tỏ thái độ của mình bằng một phái đoàn chính sách thương mại hạt nhân Mỹ khá đồ sộ đến Hà Nội. Tiếp theo là những bước đi khá nhanh chóng.
Ngày 10/10/2013 đánh dấu quá trình chính thức hoá giữa hai chính phủ bằng việc ký tắt giữa hai bộ trưởng Ngoại giao ở Brunei; bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23, một Hiệp định hợp tác Việt - Mỹ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân gọi tắt là Hiệp định 123 (đặt tên theo điều khoản số 123 của Luật Năng lượng nguyên tử của Hoa Kỳ về hợp tác hạt nhân với các nước ban hành năm 1954).
Ngày 24/02/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chính thức chấp thuận bản thỏa thuận với Việt Nam và theo đó ngày 6/5/2014 ở ngay Hà Nội đã tiến hành lễ ký chính thức trọng thể giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ VN và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại VN.
Nhà máy điện hạt nhân ở IndianPoint, Hoa Kỳ. |
Chỉ vài ngày sau, ngày 8/5/2914 Tổng thống B. Obama đã đệ trình Quốc hội Mỹ để sớm xem xét vì theo luật định sẽ kéo dài trong 90 ngày. Trong khoảng 3 tháng này, nếu không có dự luật nào được đệ trình để ngăn cản, thì xem như Hiệp định 123 đương nhiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, tự động có hiệu lực và mở đường cho việc thực thi các thoả thuận cụ thể, kể cả Hoa Kỳ có thể bán lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.
Như vậy, đến thời điểm này, thời gian chờ đợi chỉ còn một nửa, tức khoảng 45 ngày. Và nhìn chung, con đường đi đến đich không thấy trở lực gì to tác. Điều quan trọng là cả hai phía đều vẫn quyết tâm đẩy mạnh hợp tác. Về phía Việt Nam điều quan trọng nhất là thể hiện tôn trọng điều khoản không lan truyền vũ khí hạt nhân. VN đã thể hiện điều này bằng việc làm. Đó là sự kiện hoàn tất việc thay thế toàn bộ các thanh nhiên liệu chứa Uranium 235 có độ giàu thấp loại cao (HEU) thành loại thấp (LEU) ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba nươc Việt-Nga-Mỹ trước sự chứng kiến của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA.
Về phía Mỹ, họ thể hiện quyết tâm hợp tác không chỉ trong chính giới mà cả ở các nhà đầu tư lớn. Một tổ chức có tiếng nói về chuyên môn đối với chính phủ Mỹ là Viện Năng lượng Hạt nhân (Nuclear Energy Institute viết tắt là NEI). Không chỉ NEI, mà cả các công ty năng lượng hạt nhân khác của Mỹ đã cùng tiếng nói hối thúc Quốc hội của mình sớm phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Việt Nam.
Điểm thiết thực, theo họ, là việc tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ. NEI nhắc đến tình hình Việt Nam chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 10.000 MWe. Vị phó chủ tịch Viện NEI, Richard Myers nhấn mạnh: “Thị trường Việt Nam có thể đưa đến cho Mỹ từ 10 đến 20 tỷ đô la xuất khẩu và tạo ra 50 nghìn việc làm thu nhập cao cho dân Mỹ”.
Vừa qua, sau chuyến công cán ở Việt Nam về, ông Phó Chủ tịch cao cấp, Trưởng bộ phận thương mại của công ty lớn của Mỹ, GE Hitachi Nuclear Energy (GHE), ông David Durham, kể rằng ông rất ấn tượng với sự bùng nổ xây dựng sân bay, đường sá, cầu cống và các tòa nhà cao tầng khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Sự bùng nổ đó cọng với những thách thức của biến đổi khí hậu đang đặt ra nhu cầu cao đối với các nguồn năng lượng không có carbon ở nước này nên.
Lo ngại Mỹ bị chậm chân vào thị trường Việt Nam, trong khi Nga và Nhật Bản đã có các thỏa thuận riêng với Việt Nam, ông David Durham nói thêm: “Nếu không ký thỏa thuận (Việt - Mỹ. Chú thích: T.M.), chúng ta không thể tham gia cuộc chơi, chỉ có thể đứng ngoài rìa nhìn vào” và “Nếu thoả thuận quá trễ, sau khi cuộc cạnh tranh kết thúc, thì cũng sẽ không có giá trị. Thỏa thuận phải đến sớm và dài hạn, bởi đó là mối hợp tác dài hạn”.
Trên trang mạng của NEI ngày 18/6 ông Gary Wolski, Phó Chủ tịch Công ty Dịch vụ Năng lượng và Công nghịêp Curtiss-Wright Corperation lên tiếng minh họa thêm: Kinh tế Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng ổn định ở mức 5-6%/năm. Việt Nam có kế hoạch đến năm 2030 sẽ sản xuất 10.000 MWe điện hạt nhân và các lò phát điện hạt nhân đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thập kỷ tới.
Vừa mới đây, mùa hè này, một công ty nổi tiếng khác, Công ty Cung cấp nhiên liệu, Dịch vụ, Công nghệ và Thiết kế lò phản ứng hạt nhân Westinghouse Electric Co đã tiến hành bằng việc làm cụ thể: mở văn phòng đại diện ở Hà Nội để khai thác các cơ hội và tiềm năng hợp tác tại thị trường Việt Nam.
Với tình hình trên, không có gì lạ khi chính Bộ Thương mại Mỹ đã đánh giá tổng quát rằng: Hiệp định hợp tác hạt nhân 123 mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ký với Việt Nam sẽ mở cửa thị trường Việt Nam cho các công ty của Mỹ, mang lại cho lĩnh vực xuất khẩu hạt nhân của Mỹ từ 10 - 20 tỷ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm mới cho người lao động Mỹ với mức lương cao. Từ bên ngoài nước Mỹ, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cũng góp thêm ý kiến: tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng ở Việt Nam đang đặt ra nhu cầu lớn về điện với dự báo mỗi năm sẽ tăng từ 10-15%. Và còn nhắc nhở thêm: Nga, Nhật Bản đã có các thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Việt Nam rồi!
Cuối cùng, điều quan trọng là thời hạn chờ đợi ý kiến Quốc hội Mỹ không còn nhiều, nhưng đến nay chưa có một ý kiến nào phản bác bằng văn bản Hiệp định 123 từ các đại biểu quộc hội. Hơn nữa, chỉ có ý kiến thuận chiều. Đúng vậy, vào hôm 9/6, Hạ nghị sỹ Adam Kinzinger của đảng Cộng hòa và Hạ nghị sỹ Eliot Engel của đảng Dân chủ đã đệ trình lên Hạ viện bản nghị quyết kêu gọi ủng hộ thông qua Hiệp định hay bản Thỏa thuận 123 và hợp tác hạt nhân với Việt Nam. Cùng ngày, Thượng nghị sỹ Harry Reid cũng đưa ra Thượng viện một nghị quyết tương tự ủng hộ Thỏa thuận 123 với Việt Nam.
Điểm lại các diễn tiến nói trên, dư luận rộng rãi có thể hy vọng rằng, khoảng dăm tuần nữa tức vào khoảng ngày 8/8/2014 sắp tới, Hiệp định 123 ký kết giữa Việt Nam và Mỹ về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự sẽ bước qua được ngưỡng cửa cuối cùng ở quốc hội Mỹ, bắt đầu có hiệu lực thực hiện để hai nước bắt tay vào hợp tác chính thức phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam.
Trần Minh