- PGS. TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Hà Nội khẳng định, hàm lượng asen gấp 2 quy định vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và tiêu chuẩn của Bộ Y tế là quá cao.
Những ngày vừa qua, cư dân tại khu đô thị Mỹ Đình 2 được một phen “tá hỏa” với thông tin nước sinh hoạt tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 có hàm lượng asen cao gấp 2 lần tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định.
Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã phải ngừng cung cấp nước do nước nhiễm asen vượt quá quy định. Ảnh: Dân trí. |
Trên các phương tiện truyền thông, người dân tại khu đô thị này bày tỏ sự lo lắng khi đã nhiều năm nay sử dụng nguồn nước tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2. Nhiều người đã lên kế hoạch đi khám sức khỏe vì sợ đã bị nhiễm asen.
Tuy nhiên, PGS. TS Trần Hồng Công, giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khẳng định, nếu như hàm lượng asen trong nước cao gấp 2 lần quy định thì vẫn “ở ngưỡng an toàn” và “chưa tới mức nguy hiểm”. Vị giáo sư nhiều năm nghiên cứu về tình trạng nước nhiễm asen tại Hà Nội còn cho rằng, tiêu chuẩn về asen trong quy định của Bộ Y tế chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, khoa học, vệ sinh dịch tễ tại Việt Nam.
VietNamNet xin giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Hồng Côn về vấn đề này:
Vẫn trong ngưỡng an toàn
- Thưa PGS. TS Trần Hồng Côn, xin ông cho biết, với hàm lượng asen cao gấp 2 lần quy định như kết luận của Sở Y tế Hà Nội, nước sinh hoạt tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 sẽ ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe của người dân?
Nếu như hàm lượng asen trong nước cao gấp 2-3 lần so với tiêu chuẩn (quy định tại QCVN 01: 2009/BYT - PV) thì vẫn ở ngưỡng an toàn, không tới mức phải hoang mang lo lắng như vậy.
Ở Mỹ, tại một số trạm cấp nước và các giếng nước tư nhân, người ta vẫn để tiêu chuẩn (hàm lượng asen) ở mức 0,05 mg/l, cao gấp 5 lần so với tiêu chuẩn do WHO khuyến cáo mà chúng ta đang sử dụng. Do vậy, nếu như hàm lượng asen dưới mức 0,05 mg/l thì chưa tới mức nguy hiểm và chưa cần quan tâm mạnh đến thế.
PGS. TS Trần Hồng Côn (phải) cho rằng, hàm lượng asen gấp 2 lần quy định vẫn ở ngưỡng an toàn. Ảnh: ANTĐ. |
- Như vậy, với hàm lượng asen cao gấp 2 lần quy định nước vẫn an toàn, thưa ông?
Theo ý kiến chủ quan của tôi thì nếu như hàm lượng asen trong nước cao gấp 2 lần so với quy định tôi sẽ không quan tâm và vẫn sẽ sử dụng (ăn uống) bình thường.
- Theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng asen trong nước ăn uống không được vượt quá 0,01 mg/l. Ông lại cho rằng, dưới ngưỡng 0,05 mg/l thì vẫn an toàn. Đâu là căn cứ của khẳng định này, thưa ông?
Tại Bangladesh, người ta đã nghiên cứu và thấy rằng, những người sử dụng nước có hàm lượng asen dưới 0,05 mg/l thì sau 5-10 năm vẫn không có dấu hiệu của bệnh nhiễm asen (arsenicosis). Chỉ những người sử dụng nước nhiễm asen ở mức trên 0,05 mg/l và đặc biệt là cỡ 0,1 mg/l thì mới xuất hiện biểu hiện bệnh nhiễm asen sau khoảng 3- 5 năm sử dụng.
Như tôi đã nói, tại Mỹ, các trạm xử lý tư nhân vẫn dùng tiêu chuẩn 0,05 mg/l. Chỉ có ở những nhà máy lớn tại các thành phố lớn, có thể kiểm soát được người ta mới rút xuống mức 0,01 mg/l. Nhiều nước cũng đang sử dụng ngưỡng này. Trước đây, Việt Nam cũng dùng mức 0,05 mg/l nhưng sau đó rút xuống mức 0,01 mg/l như hiện nay.
Tiêu chuẩn chưa phù hợp
Tiêu chuẩn do Bộ Y tế đưa ra chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam? Ảnh: Trí thức trẻ. |
- Theo lập luận của ông thì quy định về hàm lượng asen trong nước ăn uống của Bộ Y tế là thấp quá mức cần thiết, thưa ông?
Trên thực tế, các tiêu chuẩn được đưa ra trong quy định của Bộ Y tế được lấy từ khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào khẳng định những tiêu chuẩn ấy phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện sống cũng như cơ địa của người Việt Nam. Chúng ta chỉ đang áp dụng một cách máy móc các khuyến cáo của WHO và các tổ chức thế giới.
Điều này dẫn đến một bất cập là hầu hết các nguồn nước cấp, kể cả nước của các nhà máy đều có những tiêu chuẩn không đạt so với quy định. Chẳng hạn như tiêu chuẩn vi sinh vật theo quy định là bằng 0 nhưng nước tại các nhà máy của ta không thể đạt được như vậy. Ngoài ra các tiêu chuẩn khác như asen, amoni, mangan là những thứ mà ta không thể kiểm soát được. Vì vậy, nếu như tôi kiểm tra chất lượng các nhà máy nước tại Hà Nội thì tôi sẽ đóng cửa gần hết.
- Như vậy, các tiêu chuẩn trong quy định của Bộ Y tế đưa ra đang quá cao so với mặt bằng chung của người Việt Nam, thưa ông?
Tôi không nói nó cao hơn mà tôi nói rằng, chúng ta chưa có nghiên cứu nào để khẳng định việc áp dụng các tiêu chuẩn này có phù hợp với người Việt Nam hay không. Tuy nhiên, từ góc độ kinh tế, khoa học và mức sống của người Việt thì chưa đến mức phải quy định nước phải “sạch” như WHO khuyến cáo.
Hiện nay điều kiện vệ sinh dịch tễ nói chung của Việt Nam ở mức thấp do vậy, quy định tiêu chuẩn về nước không thể đưa quá cao như vậy được. Tiêu chuẩn đưa ra chỉ nên cao hơn một chút so với mặt bằng chung để có thể phấn đấu chứ đưa cao vọt lên như vậy thì khó có thể đáp ứng được.
Trong khi đó, công nghệ sử dụng trong các nhà máy nước ngầm thì là công nghệ truyền thống đã cách đây hàng trăm năm. Người ta chỉ bơm nước lên, làm thoáng rồi lọc sắt, diệt khuẩn rồi cấp. Công nghệ này chỉ xử lý được sắt chứ các chất độc khác như asen, amoni, mangan thì không xử lý, chưa kể các chất độc hữu cơ.
Khi ta không kiểm soát được về mặt công nghệ thì tất nhiên về mặt chất lượng ta không kiểm soát được. Vì vậy, nếu như kiểm tra nước tại các nhà máy nước tại Việt Nam thì hầu hết sẽ không đạt tiêu chuẩn, nếu không phải là vài chỉ tiêu thì ít nhất cũng là một chỉ tiêu.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!
Từ ngày 27-30/6 Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 07 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội cũng như chất lượng nước cấp sau đồng hồ tại một số hộ gia đình tại 06 quận nội thành. Kết quả cho thấy, tại trạm cấp nước Mỹ Đình, chỉ tiêu asen cao hơn quy định 1,82 lần. Tiếp đó, trong các ngày 2 và 5/7, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức lấy mẫu nước tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II để xét nghiệm hàm lượng thạch tín tại đây. Kết quả cho thấy, 13 mẫu nước được xét nghiệm (bao gồm nước thô, nước qua xử lý tại trạm, nước lấy ở hộ dân) đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép từ 2-8 lần. Sau kết quả này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng yêu cầu Công ty HUDS (đơn vị đầu tư xây dựng và vận hành Trạm cấp nước Mỹ Đình 2) dừng hoạt động cấp nước. Trạm cấp nước Mỹ Đình II chỉ được phép tiếp tục hoạt động khi chất lượng nước cung cấp đảm bảo theo đúng qui định. |
- Lê Văn