Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một con giun đột biến, có thể không bao giờ bị say trong một nỗ lực nhằm tìm ra cách chữa trị cho những người nghiện rượu.
Giun Caenorhabditis elegans khi say xỉn mất khả năng ngọ nguậy và ngừng đẻ trứng. Ảnh: Daily Mail |
Loài giun tí hon được chọn làm đối tượng thí nghiệm vì rượu cồn làm chậm cử động bò, cũng như khiến chúng mất khả năng ngọ nguậy từ bên này sang bên kia. Khi bị say xỉn, các cá thể Caenorhabditis elegans cũng ngưng đẻ trứng và dễ được kiểm soát số lượng hơn.
Jon Pierce-Shimomura, người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Đây là ví dụ đầu tiên về việc thay đổi một 'mục tiêu rượu cồn của người' để ngăn chặn tình trạng say xỉn ở một động vật. Chúng tôi đã khá may mắn khi phát hiện một cách tạo ra kênh kém nhạy cảm với rượu cồn, mà không làm ảnh hưởng chức năng bình thường của nó".
Trong quá trình tạo đột biến, nhóm nghiên cứu đã biến đổi một kênh kali tồn tại trong các màng tế bào gọi là kênh BK, khiến nó kém nhạy cảm với rượu cồn, nhưng vẫn tiếp tục các chức năng bình thường như điều phối hoạt động của các tế bào thần kinh, mạch máu, đường hô hấp và ruột.
Các nhà khoa học tin rằng, nghiên cứu có khả năng ứng dụng để chữa trị cho những người nghiện rượu. Theo giáo sư Pierce-Shimomura, các dược phẩm trong tương lai có thể nhắm vào số lượng các mục tiêu rượu cồn để ngăn ngừa hậu quả của những rối loạn lạm dụng rượu, bia.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng được kỳ vọng một ngày nào đó có thể được dùng để phát triển "thuốc James Bond", cho phép các điệp viên đọ tửu lượng, hạ gục đối thủ trên bàn nhậu, nhưng bản thân vẫn giữ được cái đầu tỉnh táo.
Không giống các chất gây nghiện khác như cocaine, vốn có một mục tiêu nhất định trong hệ thần kinh, các ảnh hưởng của rượu bia đối với cơ thể người rất phức tạp và có nhiều mục tiêu khắp bộ não. Nhiều khía cạnh khác của việc nghiện rượu, chẳng hạn như sức chịu đựng, sự thèm muốn và các triệu chứng cai rượu, có thể chịu ảnh hưởng của các mục tiêu rượu cồn khác nhau.
Tuấn Anh (Theo Telegraph, Daily Mail)