Một thành phố ở Trung Quốc đã bị phong tỏa sau khi một cư dân chết vì bệnh dịch hạch. Nỗ lực kiểm soát bệnh theo cách này đang vấp phải các chỉ trích của không ít chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
Bọ chét cắn chuột mang bệnh có thể là nguồn trung gian làm lây nhiễm trực khuẩn gây bệnh dịch hạch cho người. Ảnh: CDC |
Theo nhiều hãng thông tấn, nhà chức trách Trung Quốc đã thực thi lệnh cấm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhiều khu vực ở thành phố Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc nhằm ngăn chặn khoảng 30.000 cư dân thành phố này rời khỏi địa bàn cư trú.
Việc phong tỏa xảy ra sau khi một người đàn ông ở Yumen phát bệnh vì tiếp xúc với một con chuột marmot chết và tử vong hồi tuần trước. Không có trường hợp mắc bệnh dịch hạch nào khác được ghi nhận, theo báo Guardian. Khoảng 150 người tiếp xúc với nạn nhân dịch hạch đang được cách ly nghiêm ngặt.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh có thể lây truyền sang người qua vết cắn của bọ chét hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với mô hoặc dịch của động vật bị dịch hạch.
Bệnh dịch hạch từng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người châu Âu hồi những năm 1300, trong một đại dịch được mệnh danh là "Cái chết Đen". Hiện nay, bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Thống kê của Trung tâm y tế Mayo (Mỹ) cho thấy, hiện có khoảng không đầy 5.000 ca mắc dịch hạch trên toàn thế giới mỗi năm, với hầu hết trường hợp bị bệnh xuất hiện ở châu Phi.
Bệnh dịch hạch khởi phát với nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như, bệnh dịch hạch khiến người đàn ông ở thành phố Ngọc Môn sưng hạch bạch huyết và nó có thể không lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, nếu bệnh lây lan đến phổi, người mắc phải có thể phát triển bệnh dịch hạch phổi, dạng có khả năng truyền nhiễm từ người này sang người khác nếu bệnh nhân ho, làm phát thải các giọt vào không khí và người khác hít phải những giọt đó. Dạng lây truyền từ người sang người được cho là rất hiếm và thường gắn liền với việc tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư chuyên về các bệnh truyền nhiễm và y tế phòng ngừa thuộc Bệnh viện Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho rằng, việc phong tỏa một thành phố là một cách phòng ngừa tương đối cực đoan trong trường hợp chỉ xảy ra một ca nhiễm bệnh dịch hạch.
Ông Schaffner lấy ví dụ rằng, nước Mỹ thỉnh thoảng vẫn phải hứng chịu một số ca bệnh dịch hạch, nhưng họ không đòi hỏi phản ứng mạnh đến như vậy. Khi xuất hiện dịch hạch ở Mỹ, các biện pháp y tế được thực thi rất cục bộ: bệnh nhân được chữa trị; nhà chức trách cố gắng xác định nguồn lây nhiễm và cảnh báo mọi người tránh xa khỏi nguồn mang bệnh đó.
Trong trường hợp dịch hạch phổi, các quan chức Mỹ sẽ thăm khám cho những người đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân và đảm bảo rằng bất cứ trường hợp nào cũng được chẩn đoán nhanh chóng. Những bệnh nhân dịch hạch phổi cũng được cách ly với các bệnh nhân khác trong quá trình điều trị. Các chuyên gia quả quyết, cách làm nó quá đủ để ứng phó với những trường hợp bị bệnh dịch hạch.
Cách làm của nhà chức trách Trung Quốc thậm chí đã dấy lên nghi ngờ rằng, có thể chính quyền địa phương đang che giấu thông tin, chẳng hạn như nhiều ca nhiễm bệnh hơn công bố.
Tuấn Anh (Theo Live Science)