- Thái độ và chủ trương của Chính phủ Nhật đang được sự chú ý và đồng tình của đại đa số quốc gia trên thế giới.

Cứ vào tháng tám mỗi năm, thế giới lại hướng về đất nước Mặt Trời Mọc, chia sẻ với nhân dân Nhật nỗi đau khó nguôi ngoai về sự kiện hai quả bom nguyên tử hủy diệt các thành phố Hiroshima và Nagasaki. Năm nay, lần thứ 69 tưởng niệm 22 vạn con người đã bị sát hại bởi loại vũ khí hủy diệt này, dư luận càng lưu tâm hơn đến lời tuyên bố công khai và mạnh mẽ thể hiện thái độ, đường lối của các nhà lãnh đạo nước Nhật đối với việc chế tạo, tàng trữ loại vũ khí mà dân tộc mình là nạn nhân.

Như vậy, trong lịch sử loài người, trên toàn cầu, Nhật Bản trở thành nạn nhân độc nhất của bom nguyên tử. Và hai đứa con của Dự án Manhattan, hai quả bom của hai loại công nghệ khác nhau có tên “Little Boy” (Chú Bé) và “Fat Man” (Ông Mập), những sản phẩm “quái thai” của nền công nghệ hạt nhân Mỹ là tội phạm của sự hũy diệt hai thành phố của đất nước Mặt Trời Mọc.

a/ “Little Boy” hủy hoại Hiroshima

{keywords}

Ảnh chụp quả bom “Little Boy” thả xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945 (Theo LiveScience).

 

Đây là loại bom sử dụng 64 kg nhiên liệu phân hạch uranium-235, nặng đến 4.400 kg. Quả bom phát nổ ở độ cao khoảng 580 m, phá hủy phần lớn thành phố và sát hại khoảng 140.000 người, ngoài ra 19.000 người khác tử vong do chiếu xạ hoặc do những tác động trực tiếp khác trong 4 tháng sau đó.

b/ “Fat Man” hủy hoại Nagasaki

Đây là loại bom sử dụng nhiên liệu plutonium-239, nặng 4670 kg và giải phóng năng lượng tương đương 21 kiloton thuốc nổ TNT. Dù bom rơi chệch mục tiêu khoảng 3,2 km, vụ nổ kinh hoàng phá hủy hơn phần nửa thành phố, ít nhất có 40.000 bị chết tức thời và đến cuối năm 1945 con số thống kê cho biết tổng số người chết lên đến 80.000 người.

{keywords}

Ảnh chụp qủa bom “Fat Man” thả xuống Nagasaki ngày 9/8/1945 (Theo LiveScience).

 

Sự tàn phá kinh khủng bởi bom nguyên tử chưa từng xảy ra ở đâu trên Trái Đất này và chỉ xảy ra ở Nhật Bản hai lần cách nhau 3 ngày. Tại Lễ tưởng niệm năm thứ 69 Nagasaki bị hủy diệt, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại: Trải qua nỗi đau của vụ đánh bom nguyên tử không phải một lần mà là hai lần, bất chấp những thử thách, chúng tôi đã phải chịu đựng sự đau khổ và nỗi buồn và lớn lên chính trên đôi chân của chính mình để xây dựng lại quê hương và khôi phục Nagasaki thành một thành phố xinh đẹp.

Ông nhấn mạnh: Là đất nước duy nhất trong lịch sử loài người trải qua những nỗi kinh hoàng của sự tàn phá hạt nhân trong chiến tranh, Nhật Bản có trách nhiệm mang lại "một thế giới không có vũ khí hạt nhân" mà không một chút từ nan. Chúng tôi có nhiệm vụ phải tiếp tục truyền đạt cho thế hệ kế tiếp, và thực sự với cả thế giới về sự vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Nhật Bản là nạn nhân duy nhất trên thế giới của bom hạt nhân, nhưng vị Thủ tướng nước này Shinzo Abe vẫn mạnh mẽ đưa ra lời cam kết: Nhật Bản sẽ duy trì vững chắc "Ba nguyên tắc không hạt nhân" và nỗ lực không mệt mỏi hướng tới bãi bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và thực hiện hòa bình thế giới vĩnh cửu, để sự man rợ và tàn phá gây ra bởi vũ khí hạt nhân không được lặp đi lặp lại.

“Ba nguyên tắc không hạt nhân" là tóm tắt của Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT hoặc NNPT) ký kết từ năm 1968 đến nay. Nó bao gồm ba nguyên tắc trụ cột:

a/ Không phổ biến: 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân là Pháp, Trung quốc, Nga, Anh và Mỹ. Năm nước này thoả thuận không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác, và các quốc gia không có vũ khí hạt nhân cũng đồng ý không mưu cầu có vũ khí hạt nhân v.v…

b/ Giải giới: Các nước có vũ khí hạt nhân theo đuổi mục tiêu cắt giảm và loại bỏ kho vũ khí của họ và được kêu gọi tiến đến "một hiệp ước giải giới toàn diện được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế nghiêm ngặt và hiệu quả" v.v…

c/ Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình: Cung ứng cho các quốc gia khác khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân, với điều kiện không sử dụng kỹ thuật này để phát triển vũ khí hạt nhân. Kiểm soát tiến trình làm giàu urani có thể được xem như là một phần trong biện pháp ngăn cản sự phát triển đầu đạn hạt nhân. Không quốc gia nào có thể bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân trong khi còn bị ràng buộc chịu sự thanh tra của hiệp ước.

Chưa bao giờ như lần này, trong dịp tưởng niệm lần 69 thảm họa Hiroshima - Nagasaki, lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ cũng như văn kiện của Nội các Nhật Bản đã nhấn mạnh: Nhật Bản sẽ duy trì vững chắc "Ba nguyên tắc không hạt nhân". Quan điểm đó vẫn đưa ra khi không ai nghi ngờ nước Nhật vẫn và lúc này lại càng đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.

Quả vậy, từ lâu nước này đã có sẵn một khu liên hiệp xử lý thanh nhiên liệu ở Rokkasho, phía bắc Nhật, nay lại mở nhà máy rất lớn tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong hàng chục lò phản ứng năng lượng của mình, nhằm tách chiết chất plutonium chất lượng cao. Từ chế tạo thanh nhiên liệu cho lò phản ứng sử dung hỗn hợp plutonium và uranium, như thông báo công khai, đến vấn đề nâng cấp độ tinh khiết của plutonium làm chất nổ bom nguyên tử, nếu có ý định, không có gì khó khăn với Nhật cả.

{keywords}

Cơ sở xử lý thanh nhiên liệu ở Rokkasho, phía bắc Nhật Bản.

 

Các nhà phân tích đưa ra con số, chỉ cần khoản tiền trên 20 tỷ USD, cơ sở chế biến Rokkasho có thể cung cấp đến 9 tấn plutonium tinh, hàng năm, đủ chế tạo đến hai ngàn quả bom A. Số tiền đó không quá lớn đối với nước Nhật. Còn về công nghệ làm bom, cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới Nhật Bản hẳn không khó khăn mấy trong việc nắm bắt kỹ thuật chế tạo những quả bom hạt nhân hoàn hảo và cả các loại tên lửa mang bom đi xa.

Thế nhưng, lúc này Nhật Bản nhấn mạnh đến việc nghiêm chỉnh thực hiện “Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân” và bảo lưu “Ba nguyên tắc phi hạt nhân”. Điều này có nghĩa là quốc gia nạn nhân của bom nguyên tử đã công khai từ chối trở thành chủ nhân của loại bom hủy diệt ghê tởm đó.

Từ “Ba nguyên tắc phi hạt nhân” tiến đến phá hủy tất cả các kho bom nguyên tử hạt nhân vô nhân đạo trên toàn thế giới đang là nguyện vọng và ý chí của đa số nhân loại bây giờ. Do đó, thái độ và chủ trương của Chính phủ Nhật đang được sự chú ý và đồng tình của đại đa số quốc gia trên thế giới.

Mặt khác, Chính phủ Nhật cũng chủ trương tăng cường tiềm lực quân sự nói chung để đối phó với tình hình căng thẳng trên biển và hải đảo ở vùng Hoa Đông và khu vực Thái Bình Dương. Chắc hẳn chính sách này là thích hợp với tình hình thế giới và khu vực hiện nay và đang được sự đồng tình của đa số dân chúng nước Nhật.

Trần Minh