- Giai đoạn nặng nề nhất của nền công nghiệp năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã đi qua 3 năm, từ tháng 3/2011 đến 4/2014. Sau 3 năm… bây giờ trở lại bài toán tái sinh điện hạt nhân.

{keywords}
Một nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản. Ảnh: Fukushimaupdate

Trận động đất gây ra sóng thần dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản làm “chết đứng” hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên đất nước Mặt Trời Mọc, ở mức nặng nề khác nhau và phải chịu khoản hao hại tổng cộng lên đến 50 tỷ USD, đến mức 2 tập đoàn điện lực lớn nhất nước đến đầu tháng 4/2014 phải tìm đến chính phủ xin vay vốn.

Riêng các nhà máy điện hạt nhân phải cần đến một khoản những 90 tỷ USD để có thể thay thế các thanh nguyên liệu và ngoài ra phải chi 16 tỷ USD nữa để nâng cấp hệ thống thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới vừa xây dựng sau vụ Fukushima.

Như vậy, cũng chỉ mới tập trung nhằm làm vực dậy mạng lưới các lò phản ứng của nền công nghiệp điện hạt nhân rải rác khắp đất nước. Đó chưa phải là giải quyết được cho tất cả. Vì theo phân tích gần đây của hãng thông tấn Reuters, có đến 2/3 trong số 48 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đành phải chịu đóng cửa vì nếu nâng cấp thì chi phí quá lớn (a), vì nằm trong vùng có nguy cơ địa chấn cao (b), hoặc vì sự phản đối mạnh (c) của các địa phương vùng có lò phản ứng.

Dựa vào tình hình chung nắm được, vào các số liệu tập hợp được và sự phân tích toàn diện nói trên, ngày 11/4/2014, Chính phủ Nhật Bản đã đi đến một bài toán tái sinh điện hạt nhân, một quyết định mới về chính sách năng lượng, với tên gọi "Kế hoạch năng lượng cơ bản". Trong kế hoạch đó, năng lượng hạt nhân vẫn được coi là nguồn điện năng quan trọng, đồng thời, rút lại “mục tiêu loại bỏ điện hạt nhân” mà chính quyền tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ DPJ đưa ra ngay sau sự cố Fukushima năm 2011.

Để đi đến một quyết định chính sách năng lượng hệ trọng trên (tháng 4/2014), bản thân Chính phủ Abe phải mất thêm hơn một năm kể từ khi trở lại nắm quyền (tháng 12/2012), do các bản dự thảo của kế hoạch gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghị sĩ.

Cụ thể hóa "Kế hoạch năng lượng cơ bản" mới, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã giải thích thêm một số điểm.

Chính phủ Nhật quyết định coi năng lượng hạt nhân là nguồn điện năng cơ bản và quan trọng vì lý do chi phí vận hành thấp và khả năng sản xuất điện liên tục trong ngày (không phụ thuộc cường độ gió như Phong điện, không phụ thuộc ngày đêm như Điện Mặt Trời…)

Chính phủ Nhật Bản cho biết thêm, sẽ tiến hành tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân sau khi chúng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, mặt khác cam kết sẽ giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc điện hạt nhân trong tương lai. Tuy vậy, Tokyo cũng để ngỏ khả năng cho phép xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho cả nước. Tuy nhiên, không chủ trương đưa lên quá cao, đến mức khoảng 50% như từng đề ra trước sự cố Fukushima 2011.

Do đó, Chính phủ cam kết sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu đưa loại năng lượng này lên mức 20% tổng nhu cầu điện vào năm 2030 theo như đã đề ra trong kế hoạch năng lượng cơ bản từ năm 2010.

Bản "Kế hoạch năng lượng cơ bản" mới nhất giới thiệu trên và một số chính sách chủ trương thực thi kèm theo có thể xem là một bài toán mới - bài toán tái sinh của ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước Nhật - được đề xuất sau thảm họa Fukushima 3 năm bởi Chính phủ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và nay đang điều hành thực thi bởi đảng này và Thủ tướng Obe.

Mọi người đang chờ xem sự khởi động bài toán lớn này bắt đầu từ đâu (lò phản ứng hạt nhân nào?) và lúc nào (ngay trong những tháng tới của năm 2014?).

Minh Trần