Các sản phẩm gạo của nông dân Fukushima đang bị “ô nhiễm” bởi bóng ma sợ hãi trong tâm lý người tiêu dùng nhiều hơn là ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân.

{keywords}
Những cánh đồng lúa ở Fukushima đang xanh tốt trở lại. (Ảnh: Lê Văn)

Cuối tháng 8/2014, 300 kg gạo từ Fukushima đã được xuất khẩu sang Singapore. Đây là những lô gạo đầu tiên từ Fukushima được xuất ra thị trường thế giới kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.

Việc thị trường Singapore chấp nhận gạo từ Fukushima được coi là một tín hiệu vui với những người nông dân tại tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn để ngành sản xuất gạo Fukushima có thể phục hồi trở lại.

Fukushima là vùng trồng lúa lớn thứ 4 tại Nhật Bản và trước khi xảy ra sự cố, khu vực này cung cấp 5% sản lượng gạo cho toàn nước Nhật. Tuy nhiên, ngành sản xuất này đã bị tổn hại nặng nề kể từ sau sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Sau sự cố động đất, sóng thần và rò rỉ nhà máy điện hạt nhân năm 2011, sản lượng gạo ở Fukushima sụt giảm 15% so với trước khiến tỉnh này tụt xuống vị trí thứ 7 về sản xuất gạo tại Nhật.

Một cuộc khảo sát do chính quyền nơi đây thực hiện cho thấy, có tới 17.200 nông dân trong tổng số hơn 50 ngàn nông dân bị thiệt hại do sự cố động đất, sóng thần và điện hạt nhân.

Trước đó, mỗi năm, tỉnh Fukushima xuất khẩu sang Hồng Kông 100 tấn gạo. Tuy nhiên, sau thảm họa, hoạt động xuất khẩu gạo của Fukushima gần như không còn do các quốc gia đều từ chối nhập gạo từ tỉnh này vì e ngại gạo nhiễm phóng xạ.

Nỗ lực lấy lại niềm tin

Một khảo sát trong năm 2012 do chính quyền thực hiện cho thấy, 7.570 nông dân nói rằng họ vẫn không thể sản xuất trong đó, 96,1% cho biết, nguyên nhân chính là từ sự cố điện hạt nhân chứ không phải là động đất hay sóng thần.

{keywords}
Giáo sư Ryugo Hayano, Đại học Tokyo trong buổi trao đổi với báo chí. (Ảnh: Lê Văn)

Nguy cơ nhiễm xạ do sự cố nhà máy điện hạt nhân đối với đất trồng chính là khó khăn chính của người nông dân khi quay trở lại sản xuất.

Tiến sĩ Jun Saegura, Trung tâm An toàn Môi trường Fukushima, Thuộc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản cho biết, phương pháp chủ yếu để xử lý đất nhiễm xạ hiện tại là thu gom đất nhiễm xạ quá cao để xử lý tại một cơ sở đang được dự kiến xây dựng.

Giáo sư Ryugo Hayano, Đại học Tokyo cho biết thêm rằng, ngoài phương pháp thu gom đất nhiễm xạ người nông dân tại Fukushima sử dụng một loại phân bón giàu Kali để ngăn không cho cây lúa hấp thụ các chất phóng xạ ở sâu dưới đất.

Trong khi các biện pháp xử lý nhiễm xạ trong đất canh tác được cho là gặp nhiều khó khăn, chính quyền Fukushima đã thực hiện cơ chế kiểm soát rất nghiêm ngặt với đầu ra của sản phẩm.

Từ cuối năm 2011, Chính phủ Nhật đã đặt ra giới hạn liều bức xạ 100 Bq/kg đối với tất cả các sản phẩm gạo được sản xuất tại Fukushima, một mức được cho là rất thấp so với giới hạn mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đưa ra là 500 Bq/kg.

Giáo sư Hayano cho hay, trong năm 2012 đã có 10 triệu bao gạo, mỗi bao 330 kg đã được chính quyền địa phương kiểm tra, trong đó có 71 bao gạo có hàm lượng phóng xạ vượt tiêu chuẩn 100Bq/y. Năm 2013 cũng có 10 triệu bao được kiểm tra và chỉ 28 bao có hàm lượng vượt tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, những người nông dân vẫn chưa muốn dừng lại ở giới hạn 100 Bq/kg gạo. Nhiều nông dân tại Fukushima đang nỗ lực đưa mức phóng xạ trong sản phẩm của họ xuống mức bằng 0, dù rằng điều này dường như là rất khó.

“Ô nhiễm” từ nỗi sợ hãi

Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát cũng như nhiều lần tuyên bố gạo ở Fukushima an toàn, song các sản phẩm nông sản tại Fukushima vẫn chưa thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

{keywords}
Ông Shigeru Fukaya, phó thị trưởng thị trấn Miharu, khu vực cách nhà máy điện hạt nhân 48km. (Ảnh: Lê Văn)

Cho tới nay, nhiều nước vẫn không cho phép nhập khẩu gạo từ Fukushima, ngoại trừ Singapore.

Ngay tại Nhật Bản, người dân vẫn có tâm lý e ngại với những nông sản sản xuất tại Fukushima, nhất là những vùng nằm gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi đã xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ.

Ông Shigeru Fukaya, nguyên phó trưởng thị trấn Miharu, cách nhà máy điện hạt nhân 48 km, nơi từng phải sơ tán sau khi xảy ra sự cố Fukushima hồi năm 2011, cho biết, cho tới nay, nhiều người tiêu dùng vẫn không muốn mua nông sản trồng tại Miharu vì lo bị nhiễm xạ.

“Hiện nay, sản lượng sản phẩm nông nghiệp tại Miharu đã giảm 20% so với tổng sản lượng trước đó”, ông Fukaya cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục sản xuất”, ông nói thêm.

Aki Ohmori, phóng viên của tờ The Yomiuri Shimbun, thừa nhận rằng nhiều người Nhật vẫn đang lo lắng quá mức về mức độ nhiễm xạ trong nông sản từ Fukushima. “Người ta đã phải bỏ Fukushima khỏi nơi sản xuất để người dân vượt qua được tâm lý lo lắng”, bà nói thêm.

Chính tâm lý sợ hãi phóng xạ chứ không phải bản thân phóng xạ đang là nguyên nhân cản trở sự phục hồi của ngành sản xuất gạo tại Fukushima.

Mặc dù Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản, tổ chức thu mua gạo từ Fukushima đã phải giảm giá thành các loại gạo sản xuất tại đây, song lượng tiêu thụ vẫn không tăng.

Trên thực tế, những lo lắng quá mức của người tiêu dùng về phóng xạ bắt nguồn từ sự mất niềm tin vào các tuyên bố của Chính phủ từ sau sự cố Fukushima.

Theo ông Shigeru Fukaya, khi xảy ra sự cố, người dân đã rất lo lắng khi chính quyền Fukushima không cung cấp thông tin cho họ kịp thời về mức độ nhiễm phóng xạ. “Chúng tôi đã phải đọc các thông tin về sự cố từ các hãng thông tấn nước ngoài và người dân đã rất lo lắng”, ông nói thêm.

Những người nông dân Fukushima đã quay trở lại với đồng ruộng của họ từ lâu. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần một thời gian nữa để những người tiêu dùng có thể vượt qua được nỗi sợ hãi về phóng xạ trong gạo cũng như nông sản nơi đây.

Lê Văn (Từ Fukushima)