Mặc dù khả năng cương cứng kém hơn của "cậu nhỏ" là trải nghiệm hoàn toàn tự nhiên theo tuổi tác đối với đàn ông, nhưng đôi khi tình trạng rối loạn cương dương (ED) như vậy có thể là dấu hiệu cảnh báo chủ nhân đang đối mặt với một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác, ngoài trục trặc về chức năng sinh dục.
Khả năng cương cứng kém hơn của "cậu nhỏ" đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh tiềm ẩn khác ngoài trục trặc về chức năng tình dục ở nam giới. Ảnh minh họa: Getty Images |
Áp huyết cao
Ước tính có tới 1/3 số đàn ông bị áp huyết cao không biết mình mắc chứng bệnh này, và tình trạng bất lực có thể là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
Giải pháp: Khi bị chứng ED, nam giới được khuyến nghị nên thăm khám bác sĩ để kiểm tra áp huyết. Các thay đổi về lối sống, chẳng hạn như tăng tập thể dục thể thao và giảm lượng muối hấp thu có thể cải thiện rối loạn với "cậu nhỏ".
Nếu như người đàn ông đã và đang dùng thuốc điều trị huyết áp và bị bất lực, anh ta nên thông báo chuyện đó cho bác sĩ điều trị vì một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu Thiazide và thuốc chặn beta, có thể làm khởi phát hoặc trầm trọng hóa tình trạng ED. Nhờ đó, bác sĩ điều trị có thể kê dược chất thay thế.
Bệnh tim
Nhiều căng thẳng của cuộc sống hiện đại kết hợp với chế độ dinh dưỡng kém, thiếu tập luyện thể dục thể thao, hút thuốc và uống rượu, bia, có thể khiến người đàn ông có nguy cơ bị cholesterol cao và bệnh tim. Cả 2 căn bệnh này đều dẫn đến việc thu hẹp các động mạch, làm giảm lưu lượng máu đổ về tim và cả về dương vật. Vì vậy, sự yếu ớt của "cậu nhỏ" khi "lâm trận" cũng có thể là một dấu hiệu sớm của vấn đề về tim.
"Các mạch máu trong dương vật có độ rộng 1 - 2mm, nhỏ hơn nhiều so với độ rộng của các động mạch tới tim (3 - 4mm), nên chúng bộc lộ biểu hiện bị thu hẹp nhanh chóng hơn", tiến sĩ Graham Jackson, bác sĩ chuyên khoa tim mạch và là chủ tịch Hiệp hội tư vấn tình dục Anh, giải thích.
Theo ông Jackson, tính trung bình, chứng ED xuất hiện sớm hơn các triệu chứng của bệnh tim tới 3 năm, đặc biệt ở đàn ông ở độ tuổi ngoài 40 và 50.
Giải pháp: Nếu thấy cậu nhỏ gặp trục trặc, người đàn ông có thể tới bác sĩ chuyên khoa kiểm tra tim mạch và lượng cholesterol. Cải thiện chế độ dinh dưỡng và tăng mức rèn luyện sức khỏe có thể giảm lượng cholesterol cho quý ông. Các bác sĩ cũng có thể đề xuất dùng thuốc statin hạ cholesterol để cải thiện chứng ED cho bệnh nhân nam.
Tiểu đường
500.000 người ở Anh được tin là mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán, tình trạng bệnh trong đó cơ thể không thể xử lý đường trong máu hiệu quả. Nếu để bệnh không được chữa trị, nó có thể dẫn tới thương tổn đối với các mạch máu và dây thần kinh, và tất nhiên sẽ làm giảm lượng máu luân chuyển tới dương vật.
Giải pháp: Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới chứng ED không thể đảo ngược. Nếu nam giới được chẩn đoán đang mắc hoặc đã mắc bệnh tiểu đường, việc giữ lượng đường huyết ổn định (thông qua chế độ dinh dưỡng và có thể cả thuốc) có thể giúp ngăn ngừa chứng bất lực.
Tuyến tiền liệt phình rộng
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, hình bánh nướng, tọa lạc phía dưới bàng quang, quanh niệu đạo. Các trục trặc về tuyến tiền liệt thường đi kèm với tuổi tác, điển hình là chứng viêm tiền liệt, một nhiễm khuẩn khiến tuyến tiền liệt bị sưng phồng hoặc tuyến tiền liệt phình rộng có liên quan đến testosterone. Cả 2 tình trạng trên có thể kích hoạt cơn đau, gây tiểu khó và các vấn đề tạm thời về khả năng "chinh chiến" của "cậu nhỏ".
Giải pháp: Viêm tiền liệt có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh và thường khỏi trong vòng 4 tuần. Tình trạng tiền liệt phình rộng có thể teo rút sau quá trình dùng thuốc finasteride hoặc dutasteride (các biệt dược ngăn chặn ảnh hưởng của testosterone, làm giảm kích thước tuyến tiền liệt).
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt như phẫu thuật, xạ trị, sóng siêu âm, liệu pháp chườm lạnh và liệu pháp hoóc môn, có thể làm khởi phát các vấn đề cương dương. Tuy nhiên, việc chữa trị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm bằng phẫu thuật kết hợp kỹ thuật bảo tồn dây thần kinh, sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho sự cương dương sau đó.
Testosterone thấp
Hoóc môn nam tính testosterone thúc đẩy ham muốn và khả năng cương dương. Lượng hoóc môn này sẽ suy giảm tự nhiên theo tuổi tác, và đến khi 75 tuổi, lượng testosterone của một người đàn ông có thể chỉ còn bằng 1/2 mức có được lúc anh ta 20 tuổi.
Tuy nhiên, lượng testosterone có thể khác biệt rất nhiều ở từng cá nhân và các chuyên gia tin rằng, lượng testosterone thấp chỉ hiếm khi gây ra chứng ED.
Giải pháp: Khi gặp trục trặc với "cậu nhỏ", người đàn ông có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra lượng testosterone. Nếu kết quả là lượng hoóc môn này thấp, bác sĩ có thể điều trị cho anh ta bằng liệu pháp thay thế testosterone dưới dạng thuốc uống, gel bôi, thuốc tiêm hoặc miếng dán bổ sung hoóc môn.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)