Ở một số nơi tại châu Phi, những lời đồn thổi hoang đường rằng virus Ebola là do các nhân viên cứu trợ y tế nước ngoài mang tới lục địa này, đang cản trở các nỗ lực đối phó với dịch bùng phát. Thực tế, virus Ebola bắt nguồn từ đâu?


{keywords}
Các tình nguyện viên ở Guinea đang tới tận cửa từng gia đình để tuyên truyền, chia sẻ thông tin về virus Ebola với người dân. Ảnh: CDC

Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn nguồn dung chứa Ebola thực sự - nơi virus này ẩn náu khi không gây ra dịch bùng phát ở người. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, loài dơi nhiều khả năng là "bảo kê" của virus nguy hiểm chết người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trường hợp người đầu tiên nhiễm Ebola được ghi nhận năm 1976, trong 2 vụ bùng phát dịch diễn ra đồng thời ở Sudan và Congo, khiến hơn 600 người phát bệnh.

Gần 20 năm sau, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu truy lùng nguồn lây nhiễm Ebola đã lấy mẫu hơn 1.000 động vật nhỏ ở Gabon và Congo, 2 nước Trung Phi cũng chứng kiến việc bùng phát dịch Ebola. Họ đã kiểm tra 679 con dơi, 222 con chim và 129 động vật có xương sống nhỏ, cư trú trên cạn. Những động vật duy nhất được phát hiện dung dưỡng virus Ebola là dơi, đặc biệt là 3 loài dơi ăn quả: dơi đầu búa, dơi Epomops franqueti và dơi Myonycteris torquata.

Ít nhất 2 trong số các loài dơi ăn quả này cũng được tìm thấy ở Guinea, nơi khởi phát đợt dịch nghiêm trọng hiện nay ở Tây Phi. Nhà nghiên cứu Derek Gatherer đến từ Đại học Lancaster (Anh) nhận định, các loài dơi này nhiều khả năng cũng chính là nguồn chứa mầm bệnh cho đợt dịch hiện nay.

Các nhà nghiên cứu ở Guinea hiện đang lấy mẫu dơi trong vùng để xem liệu có kết quả nào dương tính với Ebola hay không. Theo WHO, đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện nay đã khiến hơn 5.000 nhiễm bệnh và hơn 2.600 trường hợp trong số đó đã tử vong.

Ông Gatherer nói, nếu dơi là nguồn chứa virus, một cách có thể khiến người nhiễm bệnh là ăn thịt dơi và coi chúng là thực phẩm. Chẳng hạn như, súp dơi là một món "cao lương mỹ vị" ở Guinea. Nhà chức trách tại quốc gia Tây Phi này đã ban hành lệnh cấm buôn bán và ăn thịt dơi hồi tháng 3, sau khi dịch Ebola bùng phát.

Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ mình việc ăn thịt dơi là nguyên nhân khiến người nhiễm bệnh, vì quá trình nấu nướng nhiều khả năng đã diệt trừ được virus. Theo ông Gatherer, thay vào đó, việc giết mổ và tiếp xúc với thịt dơi chưa qua chế biến chứa đựng nguy cơ lớn hơn.

Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn chưa rõ liệu dơi có phải là nguồn chứa Ebola duy nhất hay không, hoặc liệu việc nhiễm virus nguy hiểm này ở loài dơi đã lây lan tới người hay không.

Hiện có một số bằng chứng ám chỉ, thay vì là virus luôn trú ngú ở dơi, Ebola thực tế đang gây ra dịch ở loài sinh vật này và đang lây lan trong các cộng đồng dơi. Bằng cách xem xét vật liệu di truyền của virus, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, cùng một chủng virus Ebola đã được truyền nhiễm từ dơi ở Trung Phi tới dơi ở Tây Phi trong hơn 10 năm qua.

Tuấn Anh (Theo Live Science)