Nhật Bản sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử bất chấp cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3 vừa qua.
TIN LIÊN QUAN
Hiểu đúng về sự cố hạt nhân Nhật BảnTIN LIÊN QUAN
Nhật Bản bắt tay ứng phó phóng xạ hạt nhân
Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, Yoshito Sengoku đưa ra tuyên bố trên ngày 8/5 trên kênh truyền hình NHK. Ông Sengoku khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối hiện nay ủng hộ ngành năng lượng hạt nhân.
Theo ông, chính phủ không có kế hoạch ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy điện nguyên tử khác, ngoại trừ ba lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản, vì lý do an toàn.
Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshito Sengoku |
Theo ông Sengoku, Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka là trường hợp ngoại lệ, và việc chính phủ yêu cầu đóng cửa nhà máy này không có nghĩa là từ bỏ đường lối phát triển năng lượng hạt nhân của Nhật Bản.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn từ Cơ quan hạt nhân Nhật Bản (NISA) cho biết Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka sẽ bị đóng cửa trong vòng hai năm, thời gian cần thiết để triển khai các biện pháp trung hạn và dài hạn để đối phó với các thảm họa thiên nhiên có khả năng xảy ra trong tương lai.
Trước đó, ngày 6/5, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Công ty Điện lực Chubu ở tỉnh Shizuoka, cách thủ đô Tokyo khoảng 200 km về phía Tây Nam, ngừng hoạt động toàn bộ các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka tại đây, do cơ sở này nằm gần các đường đứt gãy địa chất nguy hiểm.
Theo dự đoán của các chuyên gia động đất Nhật Bản, khả năng xảy ra một trận động đất mạnh 8 độ Richter hoặc lớn hơn trong vòng 30 năm tới tại khu vực có nhà máy điện hạt nhân này lên tới 87%.
Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka có 5 lò phản ứng, song hiện chỉ có 2 lò đang hoạt động. Lò phản ứng số 1 và số 2 đã ngừng hoạt động từ năm 2009, trong khi lò số 3 vẫn đang được kiểm tra định kỳ.
Theo TTXVN