- Cho đến nay công việc xây dựng các Dự án về vấn đề an toàn địa điểm đối với hai nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vẫn chưa hoàn tất…

Đối với nhà máy điện hạt nhân, an toàn địa điểm xây dựng nhà máy rất được quan tâm. Từ những năm 2009 và 2010, với Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội và văn bản số 460/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, Chủ trương đầu tư và Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân (NMĐHN) đã được khởi xướng, nhưng cho đến nay, vấn đề an toàn địa điểm đối với hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vẫn còn được đặt ra ở nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ với sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài nước.

{keywords}
Đông đảo các nhà khoa học, cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo về an toàn trong lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận. Ảnh: Cục ATBXHN.

Các tiêu chí an toàn địa điểm

Tiêu chí an toàn đối với địa điểm để xây dựng NMĐHN bao gồm: Không có hoặc ít có khả năng chịu tác động từ các mối nguy hiểm tự nhiên như động đất, núi lửa, ngập lụt, sóng thần, bão lốc, địa chất kiến tạo,… hay các mối nguy hiểm do hoạt động của con người gây nên như cháy nổ, máy bay rơi…, có mật độ phân bố dân cư, các điều kiện khí tượng thủy văn, hải văn, nước ngầm, đường giao thông hợp lý,… để tác động phóng xạ của NMĐHN ra môi trường xung quanh là thấp nhất, cả trong điều kiện vận hành bình thường và khi có sự cố.

Trong đó, điều quan tâm nhất, đặc biệt sau sự cố sóng thần hy hữu gây ra thảm họa lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, là vấn đề địa điểm được chọn cho hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, vùng ven biển Ninh Thuận nói chung với trọng tâm là khả năng xảy ra động đất và sóng thần.

Tại vì, về mặt địa chất, Ninh Thuận được xác định là vùng động đất cấp 5 hoặc 6 và theo tính toán khoa học, một trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter xuất hiện ngoài biển có khả năng gây ra sóng thần. Ngoài ra, Ninh Thuận giáp ranh với vùng Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận và các tỉnh lân cận này thuộc tuyến đứt gãy 109 – 110 độ, hàng năm đều có động đất, cường độ từ 4,7 đến 5,2 độ Richter.

Đây là hoạt động kiến tạo bình thường không gây nguy hiểm, nhưng nếu động đất trên 8 độ Richter, ước tính sau 15-30 phút, sóng thần sẽ đến đất liền và ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực nhà máy. Mặc dù, theo sự đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, với mức độ động đất như xảy ra xưa nay kèm theo hoạt động của núi lửa, sóng thần cũng có thể xuất hiện nhưng với cấp độ không cao.

Đây có thể là cơ sở để Cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng khu vực xây dựng nhà máy (Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2) là tương đối ổn định và những trận động đất thông thường sẽ không ảnh hưởng đến khu vực nhà máy. Ngoài ra, vị đại diện Ban chuẩn bị đầu tư dự án (tháng 3/2011) cho biết thêm: "Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ được thiết kế ở mức dự phòng cao hơn từ 15 đến 30% so với mức độ động đất cao nhất đã từng xảy ra ở Việt Nam (6,8 độ Richter)".

Ngoài ra, 2 nhà máy còn được thiết kế hệ thống đê chắn sóng cao đến 15m, mặc dù mức sóng cao nhất ghi nhận được tại Ninh Thuận chỉ 8m.

Tuy nhiên, vì là một vấn đề hệ trọng liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt sau sự cố sóng thần hy hữu gây ra thảm họa lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima (tháng 3/2011), nên từ tháng 7/2011 đến nay đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo quốc tế về sự an toàn của địa điểm Ninh Thuận với trọng tâm là các vấn đề liên quan đến động đất và sóng thần.

Sự tiến triển và các tồn tại

Cuộc hội thảo quốc tế thuộc loại sớm nhất diễn ra từ 26-28/7/2011 với chủ đề "Các vấn đề liên quan đến động đất và sóng thần trong việc phê duyệt địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận" với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia đến từ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Armenia và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Các nhà khoa học trong nước cũng có dịp bàn riêng để đóng góp ý kiến về vấn đề an toàn địa điểm tại Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9, vào tháng 8/2011. Ở diễn đàn này, một số chuyên gia cho biết có một số đứt gãy đang hoạt động bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây. Các đứt gãy này được cho là có vai trò quan trọng đối với sự ổn định công trình trong khu vực và được đề xuất khảo sát bổ sung. Và, do đó, một cuộc khảo sát địa chất mới đã bắt đầu tiến hành từ ngày 3/2/2012.

Và sau 2 năm tiến hành khảo sát thực địa nhằm bổ sung thông tin cần thiết và để các cơ quan hữu quan xây dựng các báo cáo đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về mức độ an toàn địa chất của các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tương lai Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, hai cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức vào năm 2014 cùng một chủ đề “An toàn trong lựa chọn địa điểm dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận”, một cuộc vào giữa năm này (vào các ngày 20-22/5/2014) và một cuộc vừa mới diễn ra (vào các ngày 20-22/10/2014).

Riêng cuộc hội thảo tháng 10 mới đây do Chủ tịch Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia (ATHNQG), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tổ chức. Tham dự Hội thảo, có nhiều đoàn đại biểu quốc tế, như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA; các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (TSO) cho cơ quan pháp quy của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nga, Slovakia; các công ty tư vấn cho Công ty điện nguyên tử Nhật Bản - JAPC, Liên doanh EPT của Nga và một số công ty của Nhật Bản (Công ty điện hạt nhân quốc tế NB, Trung tâm an toàn địa chất quốc tế). Về phía Việt Nam, nhiều cơ quan quan tâm và cử các đại biểu đến dựn như Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực VN (EVN), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Đại học Mỏ địa chất và Cục ATBXHN…

Tại Hội thảo này, đại diện tư vấn Nga (EPT) và đại diện tư vấn Nhật (JAPC) đã trình bày về phương pháp khảo sát, bằng chứng hiện có và kết quả đạt được về các đứt gãy hoạt động và mô hình kiến tạo địa chấn, đánh giá nguy hại động đất sóng thần tại khu vực địa điểm Ninh Thuận 1 và 2 và vùng phụ cận.

Vẫn còn tồn tại những ý kiến không thống nhất giữa 2 nhóm tư vấn nước ngoài nói trên liên quan đến địa chất, địa vật lý và địa chấn (nhận xét của Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân). Đồng thời hai nhóm tư vấn cũng có những ý kiến đóng góp về phương pháp khảo sát và kết quả của mỗi bên và đề xuất mô hình địa kiến tạo chung cho cả hai địa điểm.

Tại hội thảo, rất nhiều câu hỏi từ các chuyên gia trong nước và quốc tế đã được đặt ra cho tư vấn Nga và Nhật về các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn trong lựa chọn địa điểm NMĐHN Ninh Thuận. Hai vị đại diện tư vấn Nga và Nhật cũng trình bày về các kế hoạch khảo sát bổ sung theo khuyến cáo về an toàn của Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia.

Như vậy, cho đến nay công việc xây dựng các Dự án về vấn đề an toàn địa điểm đối với hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vẫn chưa được hoàn tất. Rõ ràng, tình hình này đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm ở trong nước và các tổ chức tư vấn ở nước ngoài, trước hết là từ Nga và Nhật Bản, phải tăng tốc, ngay cả khi đã có quyết định lùi thời gian khởi công xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Minh Trần