- “Xây dựng mới một thế hệ các lò phản ứng” chính là một ý tưởng, một nhiệm vụ mới nhất được đưa ra và khẳng định của nước Pháp, một quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân ở vị trí thứ nhất toàn cầu.

Bước vào năm 2015, nhiều nhà phân tích cho rằng ngành điện hạt nhân trên thế giới đang bước vào thời kỳ không chỉ nâng cao công suất mà còn phát triển các nhà máy mới ra khắp 5 châu lục.

Xu hướng này không chỉ ở những “vùng đất mới”, ở các nước mới bắt đầu bước vào con đường xây dựng ngành điện nguyên tử mà cả ở những cường quốc hạt nhân kỳ cựu với nước Pháp là một ví dụ tiêu biểu.

{keywords}
Nhà máy điện hạt nhân Cattenom của Pháp.

Chỉ mới tuần trước, thứ ba ngày 13/1/2015, lần đầu tiên một thành viên chính phủ Pháp, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Segolene Royal, đã tuyên bố công khai với báo giới rằng, quốc gia này chủ trương vẫn tiếp tục xây dựng một thế hệ mới các lò phản ứng hạt nhân để thay thế các nhà máy sắp hết tuổi sử dụng.

Lời tuyên bố này thể hiện đường lối mới của chính phủ Pháp, một quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 3/4 tổng điện năng quốc gia; đang đứng ở vị trí thứ nhất của thế giới. Đây cũng được xem là tín hiệu chính thức, khẳng định quốc gia này vẫn tiếp tục xem ngành điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn nền điện năng quốc gia.

Dù rằng, để ngăn chặn tai họa gây nên biến đổi khí hậu đang đe dọa trái đất và loài người, bên cạnh nguồn năng lượng hạt nhân, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời cũng được các nước, đặc biệt các nước công nghiệp phát triển như Pháp, không thể bỏ qua và đang được đưa vào chương trình khai thác. Tuy vậy, về công nghệ và cả giá thành, nguồn điện năng tái tạo chưa đủ sức cạnh tranh và thay thế nguồn điện hạt nhân. Chính vì thế, Bộ trưởng Royal, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí L'Usine Nouvelle, đã nói: điều đó (phát triển điện năng tái tạo) không có nghĩa là Pháp muốn loại bỏ năng lượng nguyên tử kiểu như nước láng giềng Đức loại bỏ dần điện hạt nhân.

{keywords}
Bản đồ phân bổ các nhà máy điện hạt nhân nước Pháp.

Đặc biệt, về sự giảm bớt tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân vào nguồn điện năng tổng cộng, chính phủ Pháp vẫn phải giữ lời hứa mới đây. Lời hứa đó đưa ra trong bối cảnh năm 2012, sau dư âm mạnh mẽ của thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011 và ngay trong chiến dịch vận động tranh cử.

Bấy giờ, Tổng thống Francois Hollande đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện năng hạt nhân từ 75% nay xuống 50% trong vòng một thập kỷ tới. Một dự luật liên quan đến vấn đề này sau đó đã được Quốc hội (Hạ viện) Pháp thông qua năm 2014 và nay đang được Thượng viện xem xét.

Bây giờ, có thể xem là cụ thể hóa lời hứa trước bầu cử trong bối cảnh mới, ông Royal cho biết đã cho thông qua một phần của kế hoạch bảo trì lớn các lò phản ứng đang hoạt động (có thể kéo dài tuổi làm việc trên 40 năm), đồng thời “lập chương trình xây dựng một thế hệ mới các lò phản ứng để thay thế các nhà máy cũ một khi không thể cải tạo được nữa".

“Xây dựng mới một thế hệ các lò phản ứng” chính là một ý tưởng, một nhiệm vụ mới nhất được đưa ra và khẳng định của nước Pháp, một quốc gia có tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 3/4 tổng điện năng quốc gia và đứng ở vị trí thứ nhất của thế giới. Ngoài ra, sản lượng điện hạt nhân của Pháp sẽ bị hạn chế ở mức 63,2 Gigawatt/năm. Để các yêu cầu trên đây được bảo đảm hài hòa, cần phải: Cứ mỗi một lò phản ứng điện hạt nhân mới được xây dựng thì nước Pháp phải đóng cửa một lò phản ứng cũ.

Xu hướng mới trên đây của nước Pháp trong duy trì và phát triển hạt nhân có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các cựu cường quốc hạt nhân như nước láng giềng Anh Quốc.

Quả vậy, ngày 21/10/2014, Tập đoàn Năng lượng Pháp EDF đã ký hợp đồng với Chính phủ Anh về xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân ở vùng Somerset, Tây Nam nước Anh, trị giá tới 26 tỷ USD. Tham gia hoạt động này có cả hai tập đoàn năng lượng Trung Quốc là CGNPC và CNNC với tỷ lệ cổ phần 30 - 40%, một tập đoàn năng lượng của Pháp là Avera sẽ có tỷ lệ cổ phần 10% với việc cung cấp hai lò phản ứng áp lực tiêu chuẩn châu Âu (ERP).

Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, Anh lại cho xây dựng mới một lò phản ứng hạt nhân. Chính Thủ tướng Cameron đánh giá ý nghĩa của sự kiện này: Đây là dự án nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên được xây dựng ở Anh, và sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai cũng như bảo đảm nguồn cung năng lượng dài hạn cho nước Anh.

Sau bản hợp đồng đầu tiên với nhà máy điện hạt nhân ở Somerset. EDF đang tiếp tục đàm phán với Chính phủ Anh về hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng khác tại Suffolk, phía Đông nước Anh.

Không chỉ ở hai nước Pháp và Anh, ngành công nghiệp điện hạt nhân đang tiếp tục duy trì, mở rộng hoặc bắt đầu triển khai ở một số quốc gia khác như một khuynh hướng không đảo ngược lại được nhằm bảo đảm nhu cầu nguồn điện năng ngày càng lớn ở mọi quốc gia trong lúc các nguồn điện năng sạch khác chưa có sức cạnh tranh về mặt kinh tế và mối đe dọa của bầu khí quyển ô nhiễm nặng nề đang gây biến đổi khí hậu toàn cầu đã đến mức báo động.

Minh Trần