Lần đầu tiên các nhà khoa học đã quay được đường bay cực nhanh của một chùm laser trong không khí.


Đoạn video độc đáo có được nhờ một máy quay siêu tốc, có thể phát hiện các hạt ánh sáng đơn lẻ - photon. Trong quá trình quay phim, các nhà nghiên cứu Scotland đã ghi hình 2 triệu xung laser trong vòng 10 phút, khi các hạt photon va chạm với không khí.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta quan sát được ánh sáng vừa lướt qua", Genevieve Gariepy, người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Heriot Watt, nhấn mạnh.

Bà Gariepy giải thích, thông thường, các nhà khoa học chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng khi nó phản chiếu lên các vật thể khác hoặc khi khói được thổi qua nó. Việc quan sát ánh sáng từ các tia laser thậm chí còn khó hơn do các photon di chuyển thành một chùm tập trung và theo cùng hướng.

Máy quay được sử dụng trong nghiên cứu cấu tạo gồm một mạng lưới máy dò 32 x 32, ghi lại thời gian một photon tiếp cận chúng với tốc độ 20 tỉ khung hình/giây. Máy quay được lắp đặt sao cho nó có thể ghi được góc nhìn bên về một tia laser bắn vào hàng loạt gương khác nhau.

Theo giáo sư Gariepy, hình ảnh tia laser hơi mờ chứng tỏ mức độ chính xác của máy quay khi ghi lại đường đi của tia laser.

Các nhà khoa học hy vọng, việc có thể ghi hình các photon chính xác hơn sẽ hữu ích cho quá trình nghiên cứu phát triển các công cụ hỗ trợ con người, chẳng hạn như những camera do thám có khả năng quan sát được mọi góc. Những công nghệ hiện có khiến chúng ta phải mất tới gần 1 tiếng đồng hồ mới có được hình ảnh quanh một góc, nhưng việc ứng dụng khám phá mới có thể rút ngắn quá trình này xuống còn vài phút.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, New Scientist)