Từ lâu trong giới khoa học đã có ý kiến hoài nghi rằng, các cá thể đực của nhiều loài, kể cả con người, có thể đánh hơi hoặc ngửi thấy việc một cá thể cái có đang mang bầu hay không. Hiện, một nghiên cứu mới thậm chí phát hiện, các cá thể cái thuộc các loài động vật linh trưởng khác nhau tiết ra một "mùi mang thai" tự nhiên mà cá thể đực có thể cảm nhận được và những mùi hương như vậy dường như còn báo hiệu bà mẹ tương lai đang mang thai con trai hay con gái.
Bà bầu mang thai con trai có thể tiết ra mùi đặc trưng khác với bà bầu mang thai con gái. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons |
Theo tạp chí Biology Letters, nghiên cứu mới tập trung vào các con vượn cáo như một mẫu đại diện cho các động vật linh trưởng. Công trình này cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên ở động vật về việc mùi của bà mẹ đang mang thai thay đổi khác nhau phụ thuộc vào giới tính của đứa con trong bụng.
Các dấu hiệu mùi đặc trưng "có thể giúp chỉ dẫn những tương tác xã hội, có thể thúc đẩy việc nhận diện bà mẹ - trẻ sơ sinh, giảm xung đột bên trong nhóm/bầy đàn hoặc làm rõ cương vị làm cha", nhóm tác giả nghiên cứu Jeremy Crawford và Christine Drea viết. Trong đó, họ đã đề cập đến khả năng các dấu hiệu mùi đặc trưng giúp cá thể đực có thể cảm nhận được, ngay cả trước khi cá thể cái sinh con, liệu mình có là cha của đứa trẻ hay không.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn nghi ngờ, các mùi hương tiết lộ giới tính thai nhi có thể giúp cha mẹ chuẩn bị cho những gì sắp tới. Để kiểm chứng quan điểm của mình, họ đã sử dụng các miêng gạc coton để thu thập chất bài tiết có mùi từ vùng sinh dục của các con vượn cáo trước và trong khi mang bầu.
Nhóm nghiên cứu sau đó tiến hành phân tích hóa học để nhận diện hàng trăm thành phần tạo nên sự thay đổi mùi của mỗi con vượn cáo cái trong quá trình mang bầu. Kết quả thu được rất đáng kinh ngạc: vượn cáo sắp làm mẹ tiết ra các mùi hương đơn giản hơn, chứa ít hợp chất thơm hơn so với thời kỳ trước mang bầu. Sự thay đổi rõ thấy hơn khi chúng mang thai con trai.
Các chuyên gia nhận thấy, hiện tượng trên tương liên với các thay đổi và lượng hoóc môn trong máu.
"Sự khác biệt về hoóc môn giữa vượn cáo mang thai con trai và vượn cáo mang thai con gái rất lớn. Điều này có thể vì, việc sản sinh ra các hợp chất như vậy sử dụng các nguồn được hướng tới nơi khác khi chúng mang bầu, đặc biệt nếu một cá thể cái mang thai con trai tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với mang thai con gái", nhà nghiên cứu Drea nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, có lẽ, khả năng phát hiện việc mang thai cũng như sự liên quan của một cá thể đực đặc biệt quan trọng ở những loài có quan hệ tình dục bừa bãi, như vượn cáo, con người và hầu hết các động vật linh trưởng khác.
Vượn cáo không được xem là loài thính nhạy về mùi hương nhất, nên cũng có thể, việc tiết ra mùi và khả năng phát hiện ra chúng có thể rất phổ biến trong vương quốc động vật.
Tuấn Anh (theo Discovery)