- Điện gió và điện mặt trời là hai loại điện năng năng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên. Cả hai đều là thứ năng lượng sạch có nhiều ở Việt Nam, dồi dào trên Tây Nguyên và ven bờ biển hoặc ngoài hải đảo.


Tây Nguyên khởi công điện gió …

Cùng với cả trăm cột điện gió nhô lên trên mặt nước ven bờ biển Bạc Liêu hoặc xếp hàng giữa truông cát bằng phẳng dọc bờ biển Bình Thuận chuẩn bị hòa điện lưới quốc gia đợt đầu, ngày 6/3/2015 dự án “Trang trại phong điện Tây Nguyên” tại xã Đliê-Yang, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) đã được khởi công và sẽ trở thành dự án nhà máy điện gió đầu tiên trên vùng cao Tây Nguyên.

Địa điểm này được lựa chọn sau quá trình khảo sát và đã chứng tỏ là một trong những khu vực rộng lớn trên vùng Tây Nguyên có tiềm năng khai thác nhiều điện gió.

Dự án “Trang trại Phong điện Tây Nguyên” do Công ty TNHH Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 6.000 tỷ đồng, có tổng công suất là 120 MW và dự kiến sản lượng điện của nhà máy này cung cấp hàng năm lên đến 450 triệu KWh, đủ cung cấp cho hơn 200.000 hộ gia đình.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó các giai đoạn 1 và 2  có cùng công suất là 28 MW, còn giai đoạn 3 có công suất lớn hơn đến 64 MW. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ cả 3 giai đoạn. Riêng giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới quốc gia vào giữa năm 2016 với công suất là 28 MW.

Về vai trò của dự án trên đối với địa phương, ông Y Dhăm Enuôl, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Đăk Lăk sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để dự án hoàn thành đúng thời gian”. Cũng theo ông Enuôl, ở Tây Nguyên, khu vực tiềm năng điện gió nhiều nhất thuộc về hai tỉnh Gia Lai, Đak-Lak và “khi dự án triển khai và đi vào vận hành sẽ tạo được nguồn năng lượng xanh và góp phần phát triển môi trường đầu tư của địa phương; tạo công ăn việc làm, hệ thống giao thông sẽ được nâng cấp và mở rộng. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch và kinh tế- xã hội”.

Trên phạm vi toàn quốc, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương, sản lượng điện gió của Tây Nguyên “chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện gió tiềm năng dự kiến của quốc gia và tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với tổng công suất khoảng 1.350MW”. Và Bộ này còn cho biết thêm: Đến nay cả nước đã có 50 dự án lắp đặt điện gió với công suất thiết kế khoảng 4.800MW. Hiện đã có hai dự án phát điện với công suất khoảng 46MW.

Điện mặt trời thắp trên Côn Đảo …

Khi điện gió bắt đầu đặt chân lên “đồi núi” Tây Nguyên, điện mặt trời đã được đốt sáng ở ngoài Côn Đảo.

Ngày 31/1/2015 Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Dự án Nhà máy điện mặt trời tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam khai thác và vận hành.

{keywords}

Các đại biểu tham quan nhà máy ĐMT với các tấm modul quang năng tại Côn Đảo. Ảnh: Nguồn NangluongVietnam.vn

Dự án thí điểm điện mặt trời này được bắt đầu khởi công từ một năm trước, giữa tháng 3/2014 và hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt, nối vào lưới điện của điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014. Riêng dự án ở Côn Đảo này có tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro do Chính phủ Tây Ban Nha viện trợ không hoàn lại.

Đây là dự án điện mặt trời thí điểm số 2 nằm trong khuôn khổ một dự án chung gọi là Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam", do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ không hoàn lại được thực hiện từ đầu năm 2013, với số tiền viện trợ tổng cộng 1 triệu Euro.

Dự án điện mặt trời ở Côn Đảo vừa hoàn thành có công suất ở mức cao nhất là 36 kW, với tổng sản lượng điện ước tính khoảng 51,5MWh/năm, bao gồm 7 giàn tấm module quang điện (144 tấm quang điện model Atersa A-250P), 2 bộ biến đổi từ điện một chiều thành điện xoay chiều của hãng Ingeteam và được giám sát, theo dõi từ xa qua hệ thống truyền dữ liệu sử dụng sóng 3G. Dự án do Công ty Trama của Tây Ban Nha thiết kế, mua sắm, giám sát thi công, lắp đặt và giám sát vận hành từ xa trong 1 năm. Toàn bộ các thiết bị chính do các công ty của Tây Ban Nha cung cấp.

Mặc dù số vốn đầu tư và công suất phát điện không lớn, nhưng dự án này sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng những dạng năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường để phục vụ kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam phát biểu tại buổi lễ và cho biết: Nước ta có hàng nghìn đảo hiện có dân cư sinh sống nhưng nhiều nơi không thể đưa điện lưới đến được. Vì vậy, sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống sẽ đáp ứng được nhu cầu của các vùng dân cư này đồng thời có ý nghĩa cả về kinh tế, an ninh, và quốc phòng.

Và đại diện Chính phủ Tây Ban Nha, ông Alfonso Tena Garcia, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, phát biểu tỏ sự tin tưởng rằng đây sẽ là dự án thí điểm để xây dựng các nhà máy trong tương lai và tiến tới phát triển mô hình cơ cấu năng lượng bền vững tại Việt Nam; trong đó năng lượng tái tạo đóng vai trò hết sức quan trọng.

Các dự án điện gió và điện mặt trời trình bày trên đây cùng một số dự án đã và đang mọc lên ở các địa phương khác nhau trên đất nước đang mở ra thời kỳ mới với vai trò quan trọng của nguồn năng lượng sạch, bên cạnh năng lượng tái tạo (điện và gió) sẽ là năng lượng hạt nhân nguyên tử.

Trần Minh