- Vừa bước vào năm mới 2015 đã diễn ra những hoạt động liên tiếp mở đầu thời kỳ chuẩn bị hướng tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ nhất của Việt Nam.
Hoãn khởi công nhà máy Ninh Thuận
Hầu như mọi người đều biết, việc khởi công Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận đã phải hoãn lại. Sự kiện này đã được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo tin chính thức từ đầu năm trước, vào ngày 15/1/2014, tại lễ tổng kết năm của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Thủ tướng còn cho biết là việc khởi công có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020, trong lúc dự kiến trước đây vào năm đó sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW (Mêga-oat).
Hai địa điểm dự định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. |
Cũng theo dự kiến trước đây, sau Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ là Ninh Thuận 2. Trong đó, công nghệ và đầu tư cho nhà máy Ninh Thuận 1 nhận từ nước Nga và cho nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ từ Nhật Bản.
Do vậy, cùng với sự trì hoãn kế hoạch khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nói trên, tiến độ của các khâu chuẩn bị cần thiết trong quy hoạch đã phải xê dịch chậm lại.
Các bước chuẩn bị đã được tái khởi động
Thời gian từ nay đến thời điểm khởi công động thổ xây dựng nhà máy theo kế hoạch mới không còn xa nữa. Vì vậy, từ chính phủ đến các bộ và các cơ quan chuyên ngành liên quan bước vào năm mới 2015 đã có những hoạt động nhộn nhịp.
Câu hỏi đầu tiên và quan trọng vào hàng đầu là sự khẳng định địa điểm của hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Để khẳng định vấn đề quan trọng này, mới đây, trong các ngày 19-20/3/2015, tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học quốc gia để nghe các báo cáo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam về địa điểm nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1 và 2.
Mô hình các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam |
Từ nước ngoài, đến tham dự có các vị khách quốc tế đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản. Ở trong nước, ngoài vị Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, có mặt các các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Tổng Cục năng lượng của Bộ Công thương, nhiều tổng cục, cục và hội, các viện khoa học chuyên ngành liên quan….
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh thông báo, hiện nay cả 2 tư vấn Nga và Nhật đã hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu các địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và 2, và đã nộp Báo cáo Phân tích an toàn và Hồ sơ Phê duyệt địa điểm lên Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (ATBXHN). Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và 2 nhằm đưa ra những nghiên cứu độc lập của mình về các vấn đề đang đặt ra đối với các địa điểm dự kiến, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần.
Sự điều chỉnh bản Báo cáo Phân tích an toàn và Hồ sơ Phê duyệt địa điểm đã và đang diễn ra nhưng đất Ninh Thuận chắc vẫn là đất lành cho các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Việt Nam.
Liên quan đến các địa phương có địa điểm xây dựng NMĐHN này, trước đó, sáng 9/3/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.
Việc đào tạo nhân lực các loại cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân là một lĩnh vực lớn và cần đi trước một bước của các dự án nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là các nhà máy đầu tiên.
Và về vấn đề này, từ cuối năm trước 2014 Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Phó Thủ Tướng thông báo sẽ giao 3 trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử là Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Đà Lạt. Các trường đại học khác sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công theo quy hoạch đề án 1558 trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.
Bộ Giáo dục Đào tạo cũng được giao chủ trì phối hợp với các bộ liên quan cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương xây dựng dự án đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường, nhưng phải bảo đảm đầu tư tiết kiệm, tránh tràn lan, trùng lặp.
Việc đào tạo nhân lực ở nước ngoài cũng được chú ý. Trong đó có việc các chủ đầu tư cử sinh viên và kỹ sư đi học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.
Một số khâu chuẩn bị khác cho xây dựng NMĐHN từ nay đến lúc khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể chưa được tính đủ. Và những khó khăn, chông gai gặp phải chắc sẽ nảy sinh.
Nhưng vì sự nghiệp lớn của đất nước, hy vọng tất cả sẽ được vượt qua cho đến thời điểm đợi chờ - bấm nút.
Minh Trần