- Từ bài học Fukushima, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã đưa ra những khuyến cáo thẳng thắn, quan trọng và bổ ích. Mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam hẳn phải quan tâm đến những khuyến cáo đó.

Theo nguồn tin lấy lại từ Japan Times, đã cảnh báo: “không có căn cứ nào để các quốc gia thành viên tự mãn về an toàn hạt nhân của mình” và nhấn mạnh: “Một số yếu nhân tố gây ra thảm họa Fukushima 1 đã không còn là của riêng nước Nhật”.

{keywords}
An toàn cho Nhà máy Điện Hạt nhân là ưu tiên số 1. Ảnh: nangluongvietnam.vn

Đó là nội dung quan trọng của một bản báo cáo dự kiến trình ở Hội nghị thường niên của IAEA vào tháng 9/2015 sắp tới. Báo cáo dày 240 trang này được 180 chuyên gia đến từ 42 quốc gia biên soạn và sẽ được ban lãnh đạo của IAEA thẩm tra trong tháng Sáu tới trước khi trình bày ở Hội nghị toàn thể thường niên.

Qua bản báo cáo của mình, IAEA kêu gọi các nước đang hoặc có kế hoạch sử dụng năng lượng hạt nhân cần nỗ lực cải thiện cơ chế an toàn dựa trên những kinh nghiệm mới mẻ gần đây, đồng thời cần phải chuẩn bị để đối phó với mọi thiên tai khắc nghiệt luôn có thể xảy ra.

Đặc biệt, trong bản dự thảo báo cáo, IAEA đã cáo buộc Nhật đã không chuẩn bị chu đáo trước đối với động đất sóng thần mức độ “Fukushima” và lên tiếng chỉ trích Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và Cơ quan pháp quy Nhật Bản đã không ngăn chặn được thảm họa ở Nhà máy điện Fukushima 1 xảy ra vào tháng 3/2011 mặc dù biết rõ nguy cơ sóng thần có thể tấn công nhà máy.

{keywords}
Quang cảnh tổng quát Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima trước khi xảy ra thảm họa tháng 3/2011. Ảnh: themonkeycage.org.

Và theo bản dự thảo báo cáo, Cơ quan Giám sát Hạt nhân của Liên hợp quốc còn khẳng định Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 “bộc lộ một số điểm yếu kém như không đánh giá về xác suất an toàn một cách đầy đủ dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá an toàn của IAEA.

Bản báo cáo đã phân tích nguyên nhân, hậu quả của sự cố Fukushima cũng như những bài học kinh nghiệm dự kiến sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo về các phương pháp đánh giá an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.

IAEA cũng cho biết, rằng một phương pháp đánh giá mới áp dụng từ năm 2007 đến năm 2009 đã dự báo một trận động đất với cường độ 8.3 ngoài khơi bờ biển Fukushima có thể dẫn đến trận sóng thần kéo dài khoảng 15 mét phá huỷ tổ máy số 1 và làm ngập các tòa nhà chính.

Nhưng ngược với sự phân tích trên, TEPCO và Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân cũ có trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản vào thời điểm đó cùng với các tổ chức khác đã không hành động quyết liệt như yêu cầu thay vì chỉ quyết định “cần nghiên cứu và điều tra thêm.”

Và hậu quả là TEPCO đã không thực hiện sự đánh giá an toàn đầy đủ theo khuyến cáo của IAEA và thiếu sự bảo vệ an toàn cho các máy phát điện diesel dự phòng trường hợp khẩn cấp, phòng pin, phòng nhiên liệu và thiết bị cầu dao trước nguy cơ ngập lụt do sóng thần.

Cuối cùng, trong bản dự thảo báo cáo của mình, IAEA kêu gọi các quốc gia đang sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng điện hạt nhân phải nỗ lực không ngừng để cải thiện công tác an toàn hạt nhân dựa trên những phát hiện mới và chuẩn bị để đối phó với những thiên tai ở những mức độ nghiêm trọng hơn so với những tiên liệu trong khi thiết kế các nhà máy điện hạt nhân.

Theo bản báo cáo trên đây, các cán bộ điều hành nhà máy đã không chuẩn bị đầy đủ cho tình huống mất điện và hệ thống làm mát ở các tổ máy do sóng thần gây ra. Mặc dù Tepco đã xây dựng bộ hướng dẫn quản lý tai nạn nghiêm trọng nhưng họ đã không kiểm soát được một loạt hiện tượng đã xảy ra. Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra những thiếu hụt trong việc đào tạo ứng phó sự cố thích hợp cho các công nhân của nhà máy Fukushima 1.

Quan tâm vấn đề xây dựng nguồn nhân lực

Xây dựng nguồn nhân lực cho chương trình năng lượng hạt nhân, rõ ràng, là một khâu quan trọng và các quốc gia đã, đang và sẽ đi vào con đường xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải quan tâm.

Vào đầu tháng 12/2014, sau sự cố Fukushima, IAEA càng quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng nhân lực cho chương trình năng lượng hạt nhân. Báo cáo của IAEA cho biết, toàn thế giới có trên 30 nước quan tâm đến việc xây dựng lò phản ứng điện hạt nhân. Các nước này hầu như rải khắp các châu lục, từ các nước vùng Vịnh có thu nhập cao sang các nước châu Phi cận Sahara với mức thu nhập thấp. Nhu cầu cấp bách về chi phí, an ninh năng lượng cũng như mối quan tâm ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch khiến cho điện hạt nhân trở thành phương án thay thế hấp dẫn.

{keywords}
Kiểm tra tuổi thọ của các lò phản ứng. Ảnh: daotaohatnhan.com.vn

Và việc xây dựng nguồn nhân lực, do đó, sẽ là chìa khoá cho sự tăng trưởng này. Trước hết, phải phát triển số lượng lao động có chuyên môn cần thiết cho các cơ quan và tổ chức để duy trì một chương trình điện hạt nhân an toàn và an ninh và một đội ngũ lao động có trình độ.

Ngoài ra, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực đã trở nên quan trọng hơn kể từ sau tai nạn hạt nhân Fukushima và điều này thể hiện ở việc ban hành Chương trình hành động của IAEA về an toàn hạt nhân để đối phó với tai nạn. Trong đó có sự khuyến cáo các nước thành viên và những tổ chức nào đang bắt tay vào chương trình điện hạt nhân cần phải tăng cường, phát triển, duy trì và thực hiện chương trình xây dựng nguồn nhân lực của họ (bao gồm giáo dục, đào tạo và các bài thực hành ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế) để đảm bảo nguồn nhân lực này đủ chất lượng, hiệu quả có thể đảm nhận trách nhiệm sử dụng công nghệ hạt nhân an toàn và bền vững.

Trong năm 2014, IAEA đã tổ chức Hội nghị quốc tế về Phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân. Đây là Hội nghị thứ hai về loại hình này (Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2010 tại Abu Dhabi, UAE). 5 phiên làm việc cho phép các thành viên tham dự thảo luận về những thách thức toàn cầu trong việc xây dựng năng lực như: Vai trò quan trọng của phát triển nguồn nhân lực. Những tiến bộ trong quản lý tri thức. Mạng lưới. Chương trình giáo dục và đào tạo. Công tác chuẩn bị cần thiết cho các thế hệ chuyên gia hạt nhân kế tiếp để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng hạt nhân an toàn và bền vững.

Việt Nam, một quốc gia đang trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân hẳn phải quan tâm các khuyến cáo trên đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trần Minh