Điều mà mọi bệnh nhân ung thư đã được chữa trị khỏi đều lo sợ là căn bệnh quái ác này sẽ quay trở lại, tấn công cơ thể họ lần nữa.
Nghiên cứu mới phát hiện, các tế bào ung thư có thể ngủ đông suốt thời gian dài, đôi khi hàng chục năm, để tránh bị quá trình hóa trị tiêu diệt, rồi thức tỉnh và làm tái phát bệnh sau đó. Ảnh: Corbis |
Trong các trường hợp hiếm gặp, ung thư đã "tái xuất" ngay cả khi bệnh nhân không còn dấu hiệu bệnh suốt một thời gian rất dài, đôi khi hàng chục năm, khiến các bác sĩ coi họ đã được chữa khỏi. Các nhà khoa học tin rằng, họ hiện đã lí giải được hiện tượng này.
Bằng chứng di truyền cho thấy, các tế bào ung thư có thể "ngủ đông", do đó tránh được các ảnh hưởng của quá trình chữa trị, và chỉ "tỉnh dậy" nhiều năm sau đó.
Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu ung thư ở London, Anh tuyên bố, khám phá trên của họ có thể gợi mở những cách loại bỏ tận gốc các tế bào ung thư ngủ đông. Các phương pháp như vậy có thể diệt trừ nguy cơ nhỏ về việc căn bệnh sẽ tái phát sau khi dường như đã được chữa khỏi.
Nghiên cứu trên rất đáng chú ý, vì các nhà nghiên cứu đã thu thập được các mẫu máu và tủy xương từ một bệnh nhân mắc một dạng bạch cầu hiếm gặp, kéo dài tới 20 năm.
Nhóm nghiên cứu đã nhận diện được một đột biến ADN nhất định, trong đó 2 gen có tên gọi là BCR và ABL1 hòa nhập vào nhau, ở các tế bào ung trong cả 2 mẫu máu trích lấy cách nhau 22 năm. Điều này chứng tỏ một dòng giống chung giữa bệnh bạch cầu ban đầu và bệnh bạch cầu tái phát, ám chỉ rằng, các tế bào ung thư đã kháng cự được quá trình hóa trị bằng cách ngủ đông và tỉnh thức hàng thập niên sau đó.
Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ các tế bào ngủ đông từ căn bệnh ung thư ban đầu gây ra việc tái phát bệnh, nhưng không có bằng chứng chứng minh giả thuyết đó. Nghiên cứu mới đã giúp họ xác thực giả thuyết này.
Giáo sư Mel Greaves, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Công trình nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng ấn tượng về sự tiến hóa của ung thư trong hành động, với các tế bào ung thư có thể nằm ngủ đông để tránh quá trình điều trị và sau đó tích tụ các đột biến mới, có khả năng thúc đẩy bệnh tái phát.
Các tế bào máu gốc thường xuyên thay đổi bất thường giữa trạng nằm im lìm hay ngủ với trạng thái phân chia rất nhanh. Có vẻ như các tế bào ung thư đã vay mượn trò này để tránh bị quá trình hóa trị tiêu diệt".
Giáo sư Greaves nói thêm rằng, trong tương lai, nếu chúng ta tìm ra cách đẩy nhanh tốc độ phát triển của các tế bào ngủ đông báo trước bệnh ung thư này, chúng ta có thể dùng hóa trị liệu tấn công và tiêu diệt chúng, giả nguy cơ tái phát bệnh ung thư tốt hơn nữa.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)