Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã ghi lại được hoạt động của tế bào bạch cầu - một thành phần then chốt của hàng rào bảo vệ cơ thể trước bệnh tật.


Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học La Trobe (Melbourne, Australia) đã sử dụng kỹ thuật tua nhanh thời gian để ghi hình một tế bào bạch cầu khi nó chết.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, các tế bào bạch cầu vỡ ra một cách ngẫu nhiên khi chúng chết bên trong cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu mới hé lộ, chúng thực tế chết một cách có tổ chức, có thể nhằm giúp cảnh báo các thành phần khác của hệ miễn dịch về mối đe dọa.

Đoạn video mới công bố cho thấy, các phân tử bắn ra từ tế bào bạch cầu đang hấp hối giống như các hạt đứt tách, bắn ra từ các chuỗi hạt dài. Theo nhóm nghiên cứu, quá trình chết của các tế bào bạch cầu đơn nhân to tuân theo 3 giai đoạn: phình lên, phát nổ và tan vỡ.

Tiến sĩ Ivan Poon, nhà sinh vật học phân tử dẫn đầu nghiên cứu, cho biết, ông và cộng sự có thể đã khám phá ra một phần trọng yếu của cơ chế phòng vệ của hệ miễn dịch. Nếu một căn bệnh hoặc việc nhiễm trùng khiến các tế bào bạch cầu chết, chúng khi đó có thể cảnh báo những tế bào bạch cầu khác gần đó tăng cường một phản ứng miễn dịch.

Tiến sĩ Poon giải thích: "Vai trò của các tế bào bạch cầu là trung tâm trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cơ thể chúng ta. Chúng tôi phát hiện, các phân tử nhất định được đẩy tự do ra khỏi tế bào đang hấp hối, trong khi số khác bị bỏ lại bên trong "đống đổ nát" của các mảnh tế bào, rất giống cảnh các phi công lái máy bay chiến đấu bắn vọt ra khỏi chiếc máy bay đang rơi xuống của họ.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi từng được chứng kiến việc đó xảy ra. Chúng ta hiện cần phải hiểu rõ hơn về những lí do đằng sau nó và các hàm ẩn của quá trình vỡ vụn tế bào này.

Có thể, chúng tôi vừa nhận diện được cách thức các tế bào bạch cầu đang hấp hối xúc tiến việc cảnh báo các tế bào lân cận về sự hiện diện của bệnh hoặc nhiễm trùng. Hoặc chúng tôi có thể vừa khám phá ra cơ chế vận chuyển để một virus lây nhiễm đến các phần khác của cơ thể".

Các nhà nghiên cứu tin rằng, các phân tử bắn ra từ "chuỗi hạt" của tế bào, vốn dài hơn gấp 8 lần tế bào chủ và được gọi là "apoptopodia xâu chuỗi", có liên quan đến việc truyền tải các tín hiệu và sự phát triển của tế bào. Nếu toàn bộ quá trình có liên quan đến việc thông tin về mối đe dọa tới các tế bào lân cận, khi đó nó có thể được tăng cường hoặc ức chế nhờ sử dụng thuốc.

Khám phá trên được kỳ vọng có thể giúp các nhà khoa học phát triển các cách thức mới để khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch nhằm chống lại bệnh tật.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)