Tuổi bắt đầu dậy thì của một người có thể là yếu tố đáng tin cậy, giúp dự đoán sức khỏe và tình trạng bệnh của người đó về sau trong đời, theo một nghiên cứu mới.
Trẻ em trên khắp thế giới ngày càng dậy thì sớm hơn. Ảnh: Thinkstock |
Các chuyên gia đến từ Khoa dịch tễ học thuộc Hội đồng nghiên cứu Y tế, Đại học Cambridge (Anh) phát hiện, độ tuổi bắt đầu dậy thì ở cả nam và nữ có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ vào độ tuổi trung niên.
Nghiên cứu mới đã xác thực các phát hiện trước đó về mối liên hệ giữa việc dậy thì sớm ở phụ nữ với bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2. Công trình này cũng lần đầu tiên cho thấy, việc dậy thì sớm ở đàn ông cũng liên quan đến những chứng bệnh này.
Kết luận được rút ra sau khi các chuyên gia tiến hành phân tích các dữ liệu y tế, kể cả độ tuổi dậy thì, của gần nửa triệu người, vốn được thu thập trong cuộc nghiên cứu sức khỏe quy mô quốc gia của Anh, có tên gọi là UK Biobank. Trong đó, độ tuổi dậy thì ở nữ giới là thời điểm họ trải qua kỳ kinh nguyệt hàng tháng đầu tiên, còn độ tuổi dậy thì ở nam giới là thời điểm họ bắt đầu vỡ giọng.
Ở phụ nữ, dậy thì sớm được định nghĩa là bắt đầu có kinh nguyệt trong giai đoạn từ 8 - 11 tuổi, và dậy thì muộn khi bắt đầu "đèn đỏ" lúc 15 - 19 tuổi. Trong khi đó, dậy thì bình thường ở nam giới bắt đầu trong độ tuổi từ 9 - 14.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Scientific Reports, khoảng 20% phụ nữ đã trải qua dậy thì sớm, trong khi ngược lại, có 16,5% chị em dậy thì muộn. Ở nam giới, 4% bắt đầu vỡ giọng khi còn "khá trẻ" và 6% trải qua tình trạng này khi đã "khá lớn tuổi".
Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, độ tuổi dậy thì liên quan đến tổng cộng 48 chứng bệnh khác nhau, từ bệnh tiểu đường, hội chứng kích thích đường ruột, viêm khớp, đến chứng tăng nhãn áp, bệnh vẩy nến hay chứng trầm cảm và cả ung thư. Chẳng hạn như, những người dậy thì sớm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim tới 50% về sau trong đời, trong khi những người dậy thì muộn dễ mắc bệnh hen suyễn hơn.
Lượng hoóc môn được cho là có liên quan đến một số chứng bệnh, chẳng hạn như ung thư. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu thừa nhận họ không hay biết về những yếu tố có thể dẫn đến các bệnh như hen suyễn.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố, phát hiện trên rất đáng kinh ngạc và cảnh báo mọi người nên chú ý đến dấu hiệu sức khỏe này, đặc biệt khi độ tuổi dậy thì đang thay đổi trên khắp thế giới. Ở Anh, tính trung bình, độ tuổi dậy thì của cả nam lẫn nữ đang bắt đàu sớm hơn 1 tháng sau mỗi thập niên. Trong khi đó, ở Trung Quốc thời điểm này đang bị đẩy sớm hơn tới hơn 4 tháng mỗi thập niên.
Tiến sĩ John Perry, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu xem thời điểm dậy thì tác động đến sức khỏe về sau như thế nào cũng như cách ứng dụng thông tin này nhằm hỗ trợ việc thay đổi lối sống lành mạnh cũng như ngăn chặn bệnh tật. Một điều quan trọng cần lưu ý là, nguy cơ bệnh tăng lên do độ tuổi dậy thì hiện vẫn còn tương đối khiêm tốn và chỉ đại diện cho một trong nhiều yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh nói chung".
Tuấn Anh (Theo The Guardian, BBC)