Các nhà khoa học vừa phát hiện một trong những "quái vật" săn mồi kỳ dị nhất trên Trái đất: một sinh vật đơn bào tí hon không có não và chỉ sở hữu 1 mắt.
Theo nghiên cứu mới, sinh vật đơn bào tí hon có tên gọi Erythropsidinium đã tiến hóa một mắt giống như chiếc camera độc nhất vô nhị để phát hiện con mồi.
Con mắt dị thường này của Erythropsidinium được gọi là ocelloid - một khối cầu trong suốt, có cấu trúc giống nhãn cầu ở người, cho phép chúng nhìn thấy các con mồi bằng cách dò tìm ánh sáng phân cực. Sau đó, Erythropsidinium sẽ phóng ra một phi tiêu gây đau nhức tí hon để gây choáng váng cho con mồi.
Tiến sĩ Fernando Gómez, nhà sinh vật học đến từ Đại học São Paulo (Brazil), người đang nghiên cứu về Erythropsidinium, mô tả sinh vật này như "kẻ bắn tỉa tí hon". "Chúng biết con mồi của mình ở đâu. Chúng sẽ chờ để nhìn thấy con mồi và bắn phi têu về hướng đó", ông Gómez giải thích.
Erythropsidinium được phát hiện ở độ sâu tới 90 mét dưới mặt nước biển, nơi chúng vẫn có thể tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Chúng thuộc về một nhóm sinh vật phù du ở biển, gọi là trùng tảo (dinoflagellate). Những sinh vật này sử dụng một cái đuôi tí hon để bơi đây đó. Một số có khả năng thu nhận năng lượng từ mặt trời giống như cây cối, trong khi số khác bắn phi tiêu để săn mồi, vốn cũng là các loài sinh vật phù du khác ở biển.
Nhiều loài trùng tảo săn mồi bằng cách phát hiện các dao động cực nhỏ do con mồi phát ra. Song, các phi tiêu phóng ra của chúng nhìn chung rất thiếu chính xác, đòi hỏi vô số nỗ lực trước khi chúng tóm được con mồi.
Tuy nhiên, Erythropsidinium tỏ ra là loài bắn tỉa thiện xạ hơn cả và dường như luôn ngắm bắn phi tiêu. Tiến sĩ Gómez tin rằng, khả năng này có được do Erythropsidinium sở hữu cấu trúc mắt độc đáo (ocelloid), thò ra bên ngoài cơ thể đơn bào.
Ocelloid thực tế là một lạp lục (các hạt nội bào ở thực vật giúp chuyển hóa ánh sáng thành năng lượng) biến đổi. Tuy nhiên, chẳng có mấy nhà nghiên cứu tin Erythropsidinium thực sự có khả năng nhìn bằng con mắt ấy, vì chúng không có bộ não để xử lý thông tin.
Song, nghiên cứu của tiến sĩ Gómez hé lộ, Erythropsidinium có thể hướng ocelloid theo các hướng khác nhau, ám chỉ chúng không sử dụng nó như một cảm thụ quan ánh sáng đơn giản. Ông nhận định, ocelloid thậm chí có thể giúp loài sinh vật này nhận diện kích cỡ, vị trí và hướng của con mồi cũng như phát hiện các kẻ thù ăn thịt tiềm năng.
Trong nghiên cứu riêng rẽ, các nhà khoa học đến từ Đại học British Columbia (Canada) từng khám phá ra rằng, các nhân ở trung tâm các trùng tảo mà Erythropsidinium săn bắt, làm phân cực ánh sáng. Tiến sĩ Gómez tin, điều này cho phép Erythropsidinium quan sát con mồi vốn vô hình trong ánh sáng mặt trời bình thường.
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển của ocelloid ở Erythropsidinium có thể giúp hé lộ thêm nhiều điều chưa biết về sự tiến hóa mắt ở sinh vật.
Tuấn Anh (Theo Live Science, Daily Mail)