- Không phải chỉ những nhà khoa học bình thường mới có những vụ bê bối vì tìm con đương “dễ dãi”, “phi đạo đức” để nổi lên mà những nhà khoa học lớn như Nobel gia - người của quốc tế, đứng ở đỉnh cao của khoa học – cũng có thể do vô tình vướng vào vụ bê bối. Khi đó họ sẽ ứng xử ra sao? Xin kể về chuyện của nhà bác học David Baltimore, giải Nobel về Y học 1975.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Nobel gia David Baltimore. Ảnh: Discover Magazine

Nhiều vụ lừa bịp trong khoa học đã làm kẻ cố ý bị “thân bại danh liệt”, song có những vụ, “nạn nhân” có thực tài, có danh tiếng nhưng bị lôi cuốn vào bê bối vì vô tình đứng tên chung trong các vụ lừa bịp, bịa số liệu, thậm chí có thể dấn sâu hơn do bảo vệ những người đã gây ra các công trình nguỵ tạo. Một trong những vụ việc điển hình như vậy thường được nhắc đến là trường hợp của David Baltimore.

David Baltimore (sinh năm 1938) là một nhà sinh hoá tài năng. Năm 36 tuổi đã được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, năm 37 tuổi (1975) được trao giải Nobel về Sinh lý học và Y học cùng với Howard Temin và Renatto Dulbecco vì “phát hiện ra sự tương tác giữa virus gây khối u và vật liệu di truyền của tế bào”. Đóng góp lớn nhất của ông vào ngành virus học là phát hiện ra men sao chép ngược cần thiết để sản sinh ra retrovirus như HIV…
 
Baltimore từng được giao nhiều chức vụ quan trong trong các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ (như MIT, Caltech, Trường ĐH Rockefeller tại New York, Viện y tế quốc gia…). Nhiều phát minh của ông mang tính đột phá. Ông được coi là một nhân vật có ảnh hưởng đến chính sách khoa học của Mỹ về y sinh học.

Từ năm 1991 xảy ra vụ bê bối Imanishi-Kari - một nhà khoa học nữ mà Baltimore là người có liên quan mật thiết. Dư luận Mỹ gọi đây là "vụ tai tiếng Baltimore" mà giới khoa học nước này hiện vẫn còn nhắc đến.

Baltimore và Imanishi-Kairi đã hợp tác nghiên cứu các nguyên tắc hoạt động của hệ thống miễn dịch và công bố một số công trình “quan trọng”, có tiếng vang trên Tạp chí Cell (Tế bào). Một thực tập sinh trẻ sau tiến sĩ làm việc trong phòng thí nghiệm của bà Imanishi-Kari tên là Margot O'Toole nhận thấy kết quả một số thí nghiệm của công trình đứng tên chung của bà, ông Baltimore và 4 người nữa mâu thuẫn với các kết luận của công trình nghiên cứu. Khi thử làm lại các thí nghiệm này, O'Toole nhận được những kết quả khác hẳn. Cô nói với người hướng dẫn mình là bà Imanishi-Kari nhưng bà khăng khăng không chấp nhận những điều do O'Toole vạch ra.

Ông Baltimore đã hợp tác với nhà nữ khoa học Imanishi-Kairi (ảnh trên) trong việc nghiên cứu các nguyên tắc hoạt động của hệ thống miễn dịch và công bố một số công trình “quan trọng”, có tiếng vang trên Tạp chí Cell. Ảnh: WordPress.

Cô đành phải trình bày mọi chuyện với lãnh đạo cuả MIT (mà Phòng thí nghiệm của Imanishi-Kairi là thành viên) và Trường Đại học Tổng hợp Tufts, nơi bà Imanishi-Kari là Phó giáo sư.
 
Một cuộc điều tra đã được tiến hành trong suốt 10 năm trời với sự tham gia của các cơ sở khoa học liên quan (chủ yếu là 3 cơ quan mà các “đương sự” làm việc) và vì vấn đề quá lớn, Quốc hội Mỹ cũng vào cuộc với sự trợ giúp của cả Cục điều tra liên bang và Uỷ ban kiểm toán quốc gia.

Cuối cùng tất cả đều công nhận sự thật thuộc về O'Toole. Hai nhà khoa học cấp cao bị mất uy tín nghiêm trọng. Ông Baltimore cuối cùng đã nhận ra sai sót của mình, đề nghị được rút công trình đã công bố trên Tạp chí Cell.
 
Trong bản tuyên bố 14 trang, ông Baltimore tuy cũng bác bỏ một số phê phán của Ban điều tra của Quốc hội, song thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình, đã không lưu ý đến những cảnh báo của Margot O’Toole, mà lại đứng ra bênh vực bà Imanishi-Kairi một cách hồ đồ. Ông tự phê phán sự không nhất quán và thiếu thận trọng của bản thân, không kiểm tra lại các số liệu cũng như kết luận của người hợp tác với mình trong nghiên cứu. Ông thừa nhận rằng mình đã “mù quáng” để dính líu vào một vụ án không trung thực trong nghiên cứu và “từ kinh nghiệm, thu được một bài học rằng trước khi tin vào một sự thực phải có một liều lượng nhất định sự hoải nghi lành mạnh. Sự việc đã nhắc nhở tôi sự cẩn trong tối đa khi đối diện với các số liệu khoa học”. Ông cũng thanh minh mình hoàn toàn không có ý định gian dối và việc bảo vệ bà Imanishi-Kairi chỉ vì quá tin tưởng ở MIT, Trường ĐH Tuffs và Viện Y tế quốc gia, nơi bà Imanishi-Kairi “có chân” trong đó.
 
Ông Baltimore đã dành một phần trong tuyên bố của mình để xin lỗi, đánh giá cao và cảm ơn O’Toole, người với tính thận trọng khoa học của mình, không bị ám ảnh bởi uy tín lớn của những tác giả các bài báo, đã phát hiện ra các sai sót, dũng cảm và kiên định trong cuộc đấu tranh cho sự thật.

Cô O’Toole vui vẻ chấp nhận lời xin lỗi song cũng bình luận thêm: Với trình độ của Baltimore, ông biết là mình đã sai sót nhưng ông vẫn im lặng đến phút cuối cùng là điều đáng tiếc, ngay cả khi bà Imanishi đã thừa nhận việc nguỵ tạo của mình. Thậm chí, ông đã từng có hành động giống như “chống lại cuộc điều tra” khi Quốc hội thành lập một uỷ ban (viết tắt OSI) để xem xét vấn đề. Lúc đó, ông đã công bố một bức thư “Thưa các đồng nghiệp của tôi” gửi cho những nhà khoa học trong toàn quốc với những lời lẽ nặng nề về uỷ ban này: “Theo tôi nghĩ, trong sổ tay, người ta ghi vụ này thế nào thì mặc lòng, nhưng đã công khai hoá thì không thể gọi nó là “một vụ lừa bịp khoa học” (…) Tôi tin rằng những điều OSI sẽ tuyên án là tôi phải thay đổi tư cách đạo đức và bản báo cáo cuối cùng sẽ đề cập đến điều này”. Phải chăng ông nghĩ rằng với địa vị của mình, với uy tín quốc tế của một Nobel gia, có thể lấp liếm được “vết đen” ấy?

Trong tuyên bố thừa nhận sai lầm, ông Baltimore cũng lên tiếng xin lỗi và ca ngợi cô O’Toole (trong ảnh) – người đã phát hiện ra các sai sót và dũng cảm đấu tranh cho sự thật dù những kẻ gian đối là các nhà khoa học uy tín lớn. Ảnh: The Scientist.

Vì thế, trong tuyên bố, Baltimore xin lỗi vì những lời phê phán của mình đối với uỷ ban OSI mà nghị sĩ Dingell phụ trách. Trong bức thư nói trên gửi các nhà khoa học, ông còn viết: “Cái mà chúng tôi phải chịu đựng chỉ là sự báo trước những mối đe doạ đối với giới khoa học và quyền tự do nghiên cứu. Quốc hội không phải là nơi phân định thật hoặc giả trong khoa học”. Tuy nhiên, trong lời xin lỗi của mình, Baltimore viết: “Qua kinh nghiệm, tôi hiểu được rằng việc kiểm toán là để bảo đảm quỹ công phải được sử dụng một cách có trách nhiệm không chỉ đối với cá nhân nhà khoa học  mà với cộng đồng nghiên cứu khoa học nói chung (…). Để thực hiện nhiệm vụ của mình, các nhà khoa học được trao kinh phí của nhà nước. Nhà nước phải kiểm tra để bảo vệ lợi ích công cộng trong việc sử dụng công quỹ”.

Ông Dingell đáp lại: “Tôi đồng ý với ông Baltimore rằng phải làm khoa học trong sạch khỏi bất cứ hiện tượng tiêu cực nào nhưng cũng rất tiếc là, để đi đến những kết luận này lại phải mất nhiều thời gian đến thế, phiền phức đến thế”.

Chắc chắn, tuy tỏ vẻ không coi sự việc là quan trọng (trong xã hội và trong giới khoa học đã dấy lên những tranh luận gay gắt) và có thái độ bất hợp tác, ông Baltimore dường như cũng tự hiểu được tình thế, xin từ nhiệm chức vụ Giám đốc ở Trường ĐH Rockerfeller để làm một giáo sư ở MIT. Tháng 5/1997, ông Baltimore được bầu là giám độc Học viện công nghệ California (Caltech).

Trong khi ông đang làm việc ở đây, Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng ông Huân chương Khoa học quốc gia (Huân chương cao nhất về khoa học của Mỹ) về những đóng góp to lớn cho khoa học thế giới. Năm 2004, Trường ĐH Rockerfeller trao tặng ông học vị cao nhất là Tiến sĩ danh dự.

Năm 2005, khi mọi kết luận hoàn toàn rõ ràng, Baltimore chủ động xin từ chức Giám đốc Caltech trước những kết luận bất lợi cho ông. Ông nói: “Đối với tôi, đây không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng tôi tin rằng lợi ích của Viện sẽ được phục vụ tốt nhất khi chuyển giao chức vụ giám đốc ở vào thời gian lịch sử đặc biệt này”. Ông chỉ xin làm một giáo sư Sinh học tại Viện cũ.

Lúc này, chắc chắn ông hiểu được rằng dù ở đỉnh cao nhất của khoa học thế  giới (một Nobel gia), được huân chương cao nhất về khoa học từ tay tổng thống Mỹ trao tặng, thì mình cũng không thể trốn tránh được sự thật, dù chỉ là liên quan. Chính hành động ấy đã lấy lại danh dự cho ông.

  • Tuấn Hà