Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi đây là “một trong những thành tựu y tế cộng cộng lớn nhất” trong 5 năm qua.
Cuba trở thành quốc gia đầu tiên thành công trong việc ngăn chặn việc lây nhiễm HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con, WHO cho biết.
Bà Margaret Chan, Giám đốc WHO. Ảnh: The Guardian. |
Giám đốc WHO, Margaret Chan nói rằng, “đây là một trong những thành tựu y tế công cộng” và là bước tiến quan trọng để tiến tới thế hệ không AIDS.
Trong vòng 5 năm qua, Cuba đã phát triển một loại thuốc kháng virus như một phần của sáng kiến khu vực nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm các căn bệnh như HIV từ mẹ sang con.
Xét nghiệm HIV và giang mai cho những phụ nữ mang thai và bạn đời của họ, sinh mổ và không cho trẻ bú trực tiếp cũng góp phần vào việc làm giảm lây nhiễm, theo WHO.
Carissa Etienne, Giám đốc của Tổ chức Y tế Mỹ Pan, một đối tác của WHO trong sáng kiến này, nói: “Thành tựu của Cuba ngày hôm nay đã truyền cảm hứng cho các quốc gia khác nỗ lực hơn nữa nhằm loại bỏ sự lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con”.
Mỗi năm có khoảng 1,4 triệu phụ nữ có HIV mang thai. Nếu không được điều trị, 15-45% trong số họ sẽ truyền virus HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú. Nguy cơ này giảm xuống chỉ còn hơn 1% nếu như người mẹ và đứa trẻ được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Trên phạm vi toàn cầu, hơn 35 triệu người lớn và trẻ em nhiễm HIV nhưng tỉ lệ lây nhiễm đã có dấu hiệu giảm đi với 2,1 triệu người dương tính với HIV vào năm 2013, giảm 800 ngàn người so với 2,9 triệu người có kết quả dương tính với HIV vào năm 2005, theo dữ liệu của UNAids.
Các nhà khoa học cho rằng, việc xóa bỏ bệnh AIDS là hoàn toàn có khả năng nếu như việc việc ngăn chặn sự lây nhiễm HIV tiếp tục phát triển. Thậm chí ngay cả khi không có thuốc chữa AIDS. Việc giảm tỉ lệ lây nhiễm ở Cuba là một bước tiến lớn trong chiến dịch loại bỏ căn bệnh thế kỷ này.
Việc truyền nhiễm bệnh giang mai đứng sau bệnh HIV với khoảng 1 triệu phụ nữ mang thai nhiễm căn bệnh này. Việc này có thể loại bỏ đơn giản bằng cách điều trị bằng các loại thuốc như penicillin trong quá trình mang thai.
Vào năm 2013, chỉ có 2 trẻ em sinh ra ở Cuba nhiễm HIV và 5 trẻ em sinh ra bị nhiễm giang mai từ mẹ.
Theo WHO, số lượng trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV trên toàn thế giới đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2009.
Hà Phương (Theo The Guardian)