- Thống nhất được một Hiệp ước NPT, nhưng trong thực tế các quốc gia thành viên chỉ mới tuân thủ được một vế là không lan truyền các loại bom hạt nhân hủy diệt. Còn vế kia, việc ngăn chặn sự ra đời nước hạt nhân mới, đặc biệt, loại bom hay thiết bị mang bom mới đều như bỏ ngỏ.

Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (viết tắt NPT của Nuclear Non-proliferation Treaty) có hiệu lực từ năm 1970 tinh đến nay đã gần nửa thế kỷ. Cho đến Hội nghị Tổng kết NPT định kỳ 5 năm một lần mới nhất được tổ chức tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York từ ngày 27/4 đến 22/5/2015 với số thành viên của NPT đạt đến con số 190 sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT vào năm 2003. Việt Nam chúng ta ký tên tham gia NPT chính thức từ năm 1981.

Tổ chức NPT hay bản Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân NPT thực ra xuất hiện rất muộn sau khi loại vũ khí này đã thể hiện là những quả bom hủy diệt kinh khủng và các kho chứa bom hạt nhân rải rác khắp địa cầu đã, đang và sẽ còn là mối đe dọa lâu dài đối với nhân loại.

Những quả bom hủy diệt

Vũ khí hạt nhân bao gồm các loại bom khinh khí (bom H) và bom nguyên tử (bom A) với kích thước, sức nổ và tính hủy diệt khác nhau, có sức tàn phá phạm vi rất lớn có thể tàn sát đến hàng vạn, hàng triệu con người. Sức tàn phá và giết người của một quả bom hạt nhân dù thuộc loại nhỏ cũng lớn gấp cả ngàn vạn lần loại bom thông thường.

{keywords}
Hình ảnh thành phố Hiroshima (Nhật) bị tàn phá bởi bom nguyên tử năm 1945. Ảnh: NHK.

Trong lịch sử loài người, cho đến nay, chỉ mới hai lần sử dụng loại bom khủng này. Để chấm dứt Thế chiến thứ II, Mỹ đã sử dụng hai quả bom A, ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima (ngày 6/8/1945) và Nagasaki (9/8/1945), làm hơn 200.000 người chết và hàng nghìn người vẫn tiếp tục chết dần sau đó vì tiêm nhiễm chất phóng xạ.

Chính sự kiện bi thảm trên đây đã mở đầu thời kỳ chạy đua vũ trang gắn liền với cuộc Chiến tranh Lạnh trên thế giới giữa các cường quốc, đặc biệt giữa hai siêu cường Nga và Mỹ, đe dọa cuộc sống và nền hòa bình của nhân loại trên quả đất cho đến ngày nay.

Sự ra đời Hiệp ước NPT

Do tình hình nói trên, các nước trên thế giới từ nhiều thập kỷ qua đã nổ lực không ngừng nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng. Các hoạt động này đưa đến kết quả sau: Năm 1968, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân NPT ra đời, ban đầu thu thập được chữ ký của trên 50 quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân và được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 5 tháng 3 năm 1970.

Bản Hiệp ước này nêu rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là những nước gây nổ một quả bom hạt nhân và có thể chế tạo cả thiết bị mang bom đi xa trước ngày 1/1/1967; gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tất cả các nước khác được xem là “không có vũ khí hạt nhân”, theo NPT, không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân.

{keywords}
Việt Nam tham gia NPT năm 1981. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, dự Hội nghị thường niên Hiệp ước NPT năm 2015 tại New York. Ảnh: TTXVN.

Đến năm 1975, tại hội nghị đầu tiên, các thành viên tham gia ký kết Hiệp ước đã xem xét và thay đổi một số điểm trong Hiệp ước NPT, làm tăng số quốc gia ký kết lên con số 95. Cũng từ đó, cứ mỗi 5 năm, các thành viên lại nhóm họp để đánh giá lại nội dung và thực tế thực hiện hiệp ước này. Đến năm 1995, Hội nghị giữa các thành viên NPT đã quyết định gia hạn vĩnh viễn NPT.

Hiện nay, năm 2015, số nước thành viên của NPT đứng ở con số 190. Trong đó, 9 nước được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Với 5 cường quốc hạt nhân - Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc - được xác định là đã có và có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân (cả bom A tức nguyên tử và bom H tức khinh khí). Và 2 nước, Ấn Độ và Pakistan, công khai có vũ khí hạt nhân (bom A) và, do đó, đã vi phạm quy định của Hiệp ước này. Còn 2 nước khác nữa, một là, Israel không công khai nhưng thực sự đã có trong kho hàng trăm quả bom nguyên tử và, hai là, Bắc Triều Tiên đã tạo ra 3 vụ nổ thử “bom” hạt nhân. Với nước này, theo các nhà phân tích, với lượng Plutonium tích lũy từ lò phản ứng có thể chế tạo được khoảng 3-5 quả bom A khác nữa.

Sự tồn tại nghịch lý

Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân NPT kể từ khi có hiệu lực đã thể hiện vai trò tích cực nhất định. Đó là điều không thể phủ định.

Với sự tăng thêm liên tục số quốc gia thành viên đến con số 190 hiện nay, tính phổ cập của Hiệp ước NPT cũng được nâng cao. Mặt khác, không thể phủ nhận vai trò của NPT trong việc kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân NPT hứa hẹn trong lương lai sẽ đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu được cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân; để nhân loại không còn bị canh cánh nỗi lo về sự tồn tại ở nhiều nơi trên trái đất các kho vũ khí khổng lồ chứa những quả bom hủy diệt khủng.

Tuy vậy, các hạn chế về vai trò của Hiệp ước NPT còn rất lớn. Hạn chế lớn nhất là trong văn bản hiệp ước này không đưa ra được một thời gian biểu cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới. Mặt khác, thật bất hợp lý khi trong bản hiệp ước lại đưa vào một điều khoản công nhận “các nước có vũ khí hạt nhân” hay “các cường quốc hạt nhân” gồm 5 nước Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, còn các quốc gia khác kể cả các nước có bom hạt nhân rồi nhưng muộn hơn đều bị coi là “các nước không có vũ khí hạt nhân”. Điều này, cũng giống như thực trạng Liên Hiệp Quốc, NPT chịu sự chi phối chủ yếu của 5 cường quốc hạt nhân, trong đó chủ yếu là vai trò của Mỹ.

Đặc biệt, trong thực tế, thế giới đang chứng kiến một cảnh tượng vô lý, dù Hiệp ước NPT đang nằm sờ sờ trước mặt nhưng một số nước cứ công khai cải tiến hay sản xuất các quả bom khủng hơn để đe dọa nước khác. Nói cách khác, số lượng quả bom trong một số kho vũ khí có thể giảm nhưng việc hiện đại hóa các loại bom hạt nhân và các tên lửa mang bom đi xa vẫn tăng cường ở hầu hết các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo thông tin của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế SIPRI ở Stockholm, Thụy Điển, trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, số bom hạt nhân trên thế giới giảm từ 22.600 xuống 15.850 quả, đa phần là ở Mỹ và Nga. Thế nhưng, hai cường quốc hạt nhân này vẫn còn sở hữu 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới và vẫn tiếp tục những chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Còn 3 “quốc gia hạt nhân” khác là Trung Quốc (sở hữu 260 quả bom hạt nhân), Pháp (300 quả) và Anh (215 quả) cũng đang phát triển, triển khai những hệ thống vũ khí hạt nhân mới.

Tiếp đến là những nước “phá rào” thuộc loại “đàn em” khác có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn, như Ấn Độ với khoảng 90-100 quả, Pakistan 100-120 quả và Israel 80 quả. Trong đó, Ấn Độ và Pakistan đang tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân, đã và đang thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm xa.

Hai trường hợp còn lại đang ấp ủ ý đồ sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là nước Triều Tiên đang “úp mở” phát triển vũ khí hạt nhân với 3 vụ thử ngầm và tích lũy nhiên liệu cho 3-5 quả bom A mới. Với trường hợp này, Viện SIPRI cho rằng khó đánh giá “bước tiến kỹ thuật” của Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Và nước Iran ở Trung Đông được xem là đang tham vọng sở hữu bom hạt nhân. Tuy nhiên, năm cường quốc hạt nhân đồng thời là năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) cùng với Đức đang tiến hành những cuộc đàm phán với Iran để vừa thuyết phục, vừa ép nước này từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.

Rõ ràng, dù đã tồn tại 45 năm nay bản Hiệp ước Không lan truyền Vũ khí Hạt nhân NPT, thế giới vẫn đang ở trong một nghịch lý, như tổng kết của Viện SIPRI ở Thụy Điển mới đây: “Xu hướng quốc tế là ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng những chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân vẫn đang diễn ra tại nhiều nước”.

Việc giải quyết nghịch lý trên đòi hỏi sự nỗ lực của mọi quôc gia thành viên Hiệp ước NPT, trước hết là các nước có vũ khí hạt nhân và đặc biệt 5 “cường quốc hạt nhân”. Để không kéo dài tình trạng “miệng nói” cấm lan truyền vũ khí hạt nhân nhưng “tay chân vẫn giũa rèn dao kiếm”.

Minh Trần