Liên hợp quốc hối thúc các quốc gia thiết lập các hệ thống sẵn sàng đối phó với những nguy cơ sức khỏe tăng lên khi các đợt nắng nóng ngày càng trở nên thường xuyên, khắc nghiệt và nguy hiểm do sự biến đổi khí hậu.


{keywords}

Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã cùng phối hợp đưa ra các hướng dẫn cho giới chuyên gia và nhà chức trách các nước về cách giảm thiểu những nguy cơ sức khỏe do nắng nóng hoành hành giống như tình trạng hiện nay ở châu Á và châu Âu.

"Các đợt nắng nóng đã trở thành một hiểm họa khí tượng thủy văn trọng yếu và sẽ vẫn như vậy, với các thay đổi đã được dự báo trước về tần suất các đợt nắng nóng cực điểm liên quan đến sự biến đổi khí hậu do con người gây ra", trích khuyến cáo của WHO và WMO.

Đề xuất chính của WHO và WMO đối với các nước là thiết lập những hệ thống cảnh báo nắng nóng, nêu bật những rủi ro về sức khỏe cũng như thông báo cho mọi người biết cần phải làm gì để bảo vệ bản thân họ. Những hệ thống cảnh báo như vậy hiện đã tồn tại ở các nước phát triển, chẳng hạn như Pháp, sau khi một đợt nắng nóng cực điểm năm 2003 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người khắp châu Âu.

Tuy nhiên, chuyên gia WHO Diarmid Campbell-Lendrum bày tỏ lo ngại rằng, các hệ thống như vậy hiện vẫn chưa phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước như Pakistan, nơi hơn 12.000 người đã tử vong do nhiệt độ leo thang ở miền nam nước này. Cuộc khủng hoảng vì nắng nóng ở Pakistan xảy ra một tháng sau khi nước láng giềng Ấn Độ cũng hứng chịu tổn thất nặng nề từ cùng dạng thiên tai, với hơn 2.000 người chết.

WHO và WMO đang kêu gọi các nước, kể cả những nước thường ít bị nắng nóng cực điểm tấn công, triển khai các hệ thống sẵn sàng ứng phó nắng nóng, cho phép họ nhanh chóng cảnh báo người dân về các mối nguy hiểm và đặt các bệnh viên vào tình trạng trực chiến trước nguy cơ bệnh nhân gia tăng vì nắng nóng.

Căn cứ vào nhiều nghiên cứu khoa học gần đây, các chuyên gia nhấn mạnh, sự biến đổi khí hậu không chỉ mang đến những thay đổi về tần suất và thời lượng của các đợt nắng nóng ở những "vùng tâm" nắng nóng, mà còn khiến nắng nóng cực điểm có thể xuất hiện ở những nơi chưa từng trải nghiệm nó trước đây. Các chuyên gia cũng nói thêm rằng, quá trình đô thị hóa đã làm trầm trọng hóa vấn đề này, vì các thành phố có xu hướng nóng hơn ở những nơi khác, khiến các nhóm người dễ bị tổn thương như người già và những người mắc bệnh mạn tính đối mặt nguy cơ cao hơn.

Sau đợt nắng nóng nghiêm trọng năm 2003, châu Âu một lần nữa đang vật lộn chống chọi với nhiệt độ leo thang dữ dội, lên tới 40 độ C. Đợt nắng nóng cực điểm đang tấn công Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ và miền bắc Italia dự kiến sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa.

Tuấn Anh (Theo Discovery)