Có nguồn gốc tự nhiên từ vùng tây bắc Thái Bình Dương, loài sa giông sở hữu lớp da xù xì có thể trông vô hại. Tuy nhiên, các động vật săn mồi luôn phải dè chừng vì chúng có trong tay một vũ khí chống "tử thần" vô cùng hiệu quả.
Các tuyến tí hon trên da của sa giông là "nhà" của những vi khuẩn vô cùng nguy hiểm. Chúng sản sinh ra tetrodotoxin, một chất độc chết người làm tê liệt các cơ, dừng hoạt động của cơ hoành và tim.
Mặc dù vậy, loài rắn Garter đã tiến hóa để có được khả năng kháng độc tetrodotoxin. Một cuộc chạy đua vũ trang giữa rắn và sa giông đã dẫn tới mức độc tính và khả năng kháng độc ngày càng cao hơn. Và hiện, sa giông đã phát triển lượng độc tố đủ để giết chết một sinh vật lớn hơn nhiều so với các kẻ thù ăn thịt thông thường của chúng, chẳng hạn như con người.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: loài động vật nào tiến được xa hơn trong cuộc chạy đua vũ trang trên?
Con sa giông cong lưng và phô ra vùng mặt dưới cơ thể màu cam - một tín hiệu rõ ràng cảnh báo không nên gây hấn với nó. Con rắn garter quyết định không đáng để chuốc lấy rủi ro và lẩn mất. Tuy nhiên, điều tương tự có thể không xảy ra với mọi động vật săn mồi khác.
Con sa giông quay trở lại dòng suối và chạm trán với một mối đe dọa khác: một con ễnh ương.
Ễnh ương là loài động vật tham lam và tạp ăn. Nó nuốt chửng cả con sa giông.
Bên trong bụng của ễnh ương đã xảy ra một cuộc đua giữa các axit dạ dày với chất độc của sa giông. Con ễnh ương rốt cuộc ngã gục và chết. Khi đó, con sa giông từ từ bò ra ngoài và lên đường trở về nhà của nó.
Tuấn Anh (Theo NatGeo)