Một chuyên gia phẫu thuật Trung Quốc vừa chính thức bắt tay hợp tác với một bác sĩ Italia để chuẩn bị cho ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Bác sĩ người Italia Sergio Canavero (phải) và bác sĩ người Trung Quốc Ren Xiaoping đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017. Ảnh: Xinhua |
Anh Valery Spiridonov, công dân Nga mắc một chứng bệnh nan y, dự kiến sẽ trở thành người đầu tiên trải qua dạng phẫu thuật gây tranh cãi trên, do chính bác sĩ người Italia Sergio Canavero và bác sĩ người Trung Quốc Ren Xiaoping đồng phát triển và thực hiện.
Theo tiến sĩ Canavero, ca phẫu thuật này sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử và có thể dẫn tới sự ra đời của các phương pháp chữa trị dành cho những chứng bệnh từng bị coi là "vô phương cứu chữa" trước đây, chẳng hạn như bệnh teo mòn cơ Werdnig-Hoffman của anh Spiridonov.
Phát biểu tại một hội nghị khoa học ở đông bắc Trung Quốc, tiến sĩ Canavero cho biết, ông và người cộng sự mới đã lên kế hoạch thiết lập một nhóm y tế chuyên biệt để mang tới cho bệnh nhân Spiridonov một cơ thể mới. Ca phẫu thuật dự kiến diễn ra tại một bệnh viện liên kết với trường Đại học Y Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.
Ông Canavero tuyên bố: "Tiến sĩ Ren là người duy nhất trên thế giới có thể dẫn đầu dự án này. Với khả năng tổ chức nổi bật và khả năng hoạt động nhóm, Trung Quốc có thể là lựa chọn tốt nhất để tiến hành các ca cấy ghép đầu".
Trang Times of India đưa tin, nhà khoa học Italia đã nhận được hơn 2 triệu USD tiền tài trợ của các trường đại học và chính phủ để hiện thực hóa tham vọng của mình. Ông cũng từng lên tiếng nhấn mạnh, bản thân và các cộng sự sẽ không bao giờ từ bỏ dự án chỉ vì nghiên cứu của mình gây tranh cãi.
Sau 1.000 ca thử nghiệm suốt 2 năm qua, bác sĩ Ren đã giúp chuột cấy ghép đầu sống sót tới 1 ngày sau đại phẫu. Ảnh: WSJ |
Tiến sĩ Ren, người được ông Canavero tin tưởng mời hợp tác, là chuyên gia phẫu thuật 53 tuổi, giàu kinh nghiệm đến từ trường Đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Kể từ năm 2013, ông Ren đã tiến hành 1.000 ca cấy ghép trên chuột và dự kiến thực hiện phẫu thuật cấy ghép đầu trên các động vật linh trưởng trong năm nay.
Sau khi thử nghiệm hàng loạt phương pháp khác nhau để ngăn các con chuột chối bỏ cơ thể hoặc đầu mới của chúng, ông Ren đã tìm được cách đạt được tỉ lệ sống sót 1 ngày cho những con vật thí nghiệm. Song, rõ ràng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để ông và các cộng sự có thể mang đến cho một con người bất kỳ cơ hội sống sót nào sau ca đại phẫu như vậy.
Với phẫu thuật ở người, cơ thể mới sẽ được lấy từ một người hiến tặng bị chết não nhưng thể trạng khỏe mạnh. Cả người hiến tặng và bệnh nhân cấy ghép đều sẽ bị cắt cụt đầu khỏi tủy sống cùng lúc, sử dụng một lưỡi dao siêu sắc để tạo ra vết cắt gọn ghẽ, hoàn hảo.
Đầu của bệnh nhân cấy ghép sau đó được gắn dính lên trên cơ thể người hiến tặng nhờ một chất giống keo mà bác sĩ Canavero gọi là "thành phần ma thuật". Chất có tên gọi là polyethylene glycol ấy sẽ nối liền hai đầu tủy sống với nhau.
Tiếp đó, các cơ và nguồn cung cấp máu cho bệnh nhân sẽ được khớp nối trước khi bệnh nhân được đưa vào trạng thái hôn mê khoảng 4 tuần để ngăn chúng dịch chuyển trong khi đầu và cơ thể đang liền với nhau.
Ông Canavero tuyên bố, phẫu thuật cấy ghép đầu người sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử và giúp mang tới các phương pháp điều trị hữu hiệu cho những căn bệnh nan y. Ảnh: Daily Mail |
Khi tỉnh dậy, bệnh nhân cấy ghép được kỳ vọng phải có khả năng đi lại, cảm giác trên mặt và thậm chí nói với cùng thứ giọng ban đầu của anh ta. Bệnh nhân sau đó sẽ được cho dùng các thuốc ức chế miễn dịch cực mạnh để ngăn cơ thể mới bị chối bỏ.
Tuy nhiên, cả ông Ren và ông Canavero đều thừa nhận, hiện tồn tại nhiều thách thức về mặt kỹ thuật mà họ cần phải vượt qua khi kết nối hệ thống thần kinh với các mạch máu và tủy sống. Họ thậm chí sẽ phải thiết kế dụng cụ chuyên biệt để có thể thực hiện ca cấy ghép đầu trên một con người. Ngoài ra, các tranh cãi về vấn đề đạo đức cũng có thể ngáng trở ca phẫu thuật mang tính tiên phong của họ.
Tuấn Anh (theo Daily Mail)