Khi nhắc tới chứng "cuồng dâm", chúng ta thường nghĩ ngay tới tình trạng rối loạn khiến người bệnh luôn có ham muốn tình dục và nhu cầu "được thỏa mãn" cao bất thường, gấp nhiều lần mức tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, căn nguyên của chứng bệnh này không đơn giản là nhu cầu "chuyện ấy".
"Tại sao tôi lại như thế này?" là câu hỏi phổ biến nhất mà chuyên gia thần kinh học Debra W. Soh, một nhà nghiên cứu tình dục đến từ Đại học York (Toronto, Canada), nhận được khi tiếp xúc với những người bị chẩn đoán là mắc chứng cuồng dâm hay "nghiện sex".
Sau khi loại bỏ chứng rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn nhân cách ranh giới là nguyên nhân cơ bản (do hành vi quan hệ tình dục tần suất cao là một triệu chứng phổ biến của các rối loạn này), nhà nghiên cứu Soh phát hiện, văn hóa phẩm khiêu dâm và sự thiếu chung thủy đã có ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của họ và họ rất cần một giải pháp.
Những người đàn ông gặp các vấn đề với sự thủ dâm sẽ dành quá nhiều thời gian, tới tận 12 tiếng/ngày trong một vài trường hợp, để xem phim ảnh, sách báo khiêu dâm hoặc tương tác tình dục thông qua các chatroom, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò và webcam. Nhiều người bị mất việc sau khi những hành động này bắt đầu xâm lấn đời sống lao động của họ. Chẳng hạn như, nhiều bệnh nhân cuồng dâm kể, họ thường xuyên đi làm muộn do thức khuya vào đêm trước đó và rằng họ xem "phim nóng" ngay tại nơi làm việc hoặc xin nghỉ ốm vì thích xem văn hóa phẩm đồi trụy ở nhà.
Một bệnh nhân nam thú nhận việc mình nghiện xem "phim người lớn" là sự lãng phí thời gian vô bổ, nhưng thấy điều đó có tác dụng giải khuây vì nó giúp anh thoát khỏi sự ám ảnh của một danh sách dài những việc cần làm và những lo lắng về tiền bạc và sức khỏe.
Sự thiếu chung thủy "mạn tính" có thể xảy ra vì nhiều lí do, nhưng chủ yếu vẫn do sự lệch pha về nhu cầu tình dục giữa hai vợ chồng. Hầu hết chúng ta mường tượng người "nghiện sex" là người có ham muốn tình dục vô độ, nhưng trong thực tế, đáng ngạc nhiên là, ham muốn "chuyện ấy" của người cuồng dâm thường không quá cao, mà chính nhu cầu của vợ/chồng họ mới là thấp do với mức trung bình.
Chẳng hạn như, vợ của một bệnh nhân nam chỉ muốn quan hệ tình dục với anh ta ở tần suất 1 lần/năm, trong khi nhu cầu của anh là 1 lần/tuần. Anh không muốn li hôn vợ vì yêu hai đứa con chung giữa họ, nhưng luôn cảm thấy "thiếu thốn" và đành chi bộn tiền để "được thỏa mãn" ở bên ngoài, đặc biệt là với gái mại dâm.
Trong khi đó, một số người thường xuyên lừa dối bạn đời, vì họ thích quan hệ tình dục với một đối tác mới, thay vì ai đó họ đã từng làm "chuyện ấy". Họ không muốn bị giới hạn bởi chế độ một vợ, một chồng.
Một số bệnh nhân "cuồng dâm" khác có những sở thích tình dục kỳ quặc (chẳng hạn như bạo dâm, khổ dâm) và chỉ cảm thấy thỏa mãn "chuyện ấy" khi hiện thực hóa được những ý tưởng lập dị đó. Nếu bạn đời không quan tâm hoặc sẵn lòng đáp ứng những sở thích này, họ sẽ tìm kiếm niềm vui ở các mối quan hệ ngoài luồng.
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Soh, nếu ai đó nghĩ mình có thể mắc chứng "cuồng dâm", hãy tự hỏi bản thân xem các hành vi tình dục của họ có gây hại hay đau khổ cho bản thân, hoặc làm sút kém việc thực hiện trách nhiệm hàng ngày của mình hay không. Nếu câu trả lời là có, cách tốt nhất để vượt qua vấn đề này, như nghiên cứu đã chỉ ra, là giải quyết tận gốc các căn nguyên cơ bản thúc đẩy họ đến các hành vi đó.
Bà Soh cũng cho rằng, mọi người nên thành thật với chính bản thân họ. Chẳng hạn như, với những người thích theo đuổi các bạn tình mới, có lẽ hôn nhân một vợ, một chồng không phải là điều tốt nhất với họ. Đối với những người chọn hôn nhân một vợ, một chồng, cả hai cùng đồng điệu về "chuyện ấy", cả về tần suất và kiểu quan hệ tình dục mà họ thích.
Với những người "ghiền" văn hóa phẩm đồi trụy, họ nên tìm kiếm các cách hữu hiệu hơn để đương đầu với những căng thẳng và lo lắng của bản thân. Tham vấn với một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp ích cho họ khi cố gắng vượt qua những vấn đề này.
Tuấn Anh (theo The Independent)