Ba nhà khoa học Mỹ, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đồng chủ nhân của giải thưởng Nobel Hóa học 2015 nhờ các nghiên cứu hữu ích, mang tính đột phá của họ về sự sửa chữa ADN ở cấp độ tế bào.
Chân dung 3 "Nobel gia" trong lĩnh vực Hóa học năm 2015. Ảnh: CBC |
Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố quyết định trao giải thưởng Nobel Hóa học năm nay cho các nhà nghiên cứu Thomas Lindahl, (gốc Thụy Điển, đang làm việc cho Viện Francis Crick và phòng thí nghiệm Clare Hall ở Anh), Paul Modrich (gốc Mỹ, đang làm việc tại Trường Y, Đại học Duke và Viện Y học Howard Hughes) và Aziz Sancar (gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đang làm việc tại Đại học North Carolina, Mỹ).
Ủy ban Nobel cho biết, các khám phá của ba nhà khoa học này "đã cung cấp kiến thức cơ bản về cách một tế bào sống hoạt động như thế nào và có thể được sử dụng để phát triển các phương pháp chữa trị ung thư mới ra sao".
Theo các chuyên gia, tổn hại ADN luôn luôn xảy ra và lí do khiến vật chất di truyền của chúng ta không tan rã thành những mớ hỗn độn hoàn toàn về mặt hóa học là nhờ một loạt hệ thống phân tử liên tục giám sát và sửa chữa ADN. Giải Nobel Hóa học 2015 đã vinh danh 3 nhà khoa học có công vẽ nên bản đồ về cách rất nhiều trong số những hệ thống sửa chữa này hoạt động ra sao ở cấp độ phân tử chi tiết.
Hồi đầu những năm 1970, các nhà khoa học tin rằng, ADN là một phân tử vô cùng ổn định, nhưng nhà khoa học Tomas Lindahl chứng minh rằng, ADN phân rã ở một tốc độ chắc chắn đã tạo điều kiện cho sự phát triển của sự sống trên Trái đất. Quan điểm thấu đáo này đã dẫn ông tới khám phá về một cơ chế sửa chữa đứt đoạn gốc ở cấp độ phân tử, liên tục chống lại sự sụp đổ của ADN của chúng ta.
Nhà nghiên cứu Aziz Sancar cũng đã lập sơ đồ về sự sửa chữa đứt đoạn nucleotide, cơ chế mà các tế bào đang sử dụng để sữa chữa tổn hại do tia cực tím gây ra với ADN. Những người sinh ra đã bị khiếm khuyết trong hệ thống sửa chữa này sẽ phát triển bệnh ung thư da nếu họ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các tế bào cũng đang tận dụng việc sửa chữa đứt đoạn nucleotide để khắc phục các khiếm khuyết bắt nguồn từ các chất gây đột biến.
Trong khi đó, Nhà khoa học Paul Modrich đã phát hiện cách tế bào sửa chữa lỗi xảy ra khi ADN được sao chép trong quá trình phân bào. Cơ chế sửa chữa ghép đôi không xứng này đã giảm tần suất lỗi xảy ra trong quá trình tái tạo ADN khoảng 1.000 lần. Chúng ta đã ghi nhận các khuyết tật bẩm sinh do trục trặc về cơ chế sửa chữa ghép đôi đã dẫn đến một biến thể di truyền của bệnh ung thư ruột.
"Từ một tế bào này đến một tế bào khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông tin di truyền quyết định cách con người định hình như thế nào đã trôi chảy khắp cơ thể chúng ta suốt hàng trăm ngàn năm qua. Nó liên tục đối mặt với các cuộc tấn công từ môi trường, nhưng vẫn còn nguyên vẹn đáng kinh ngạc. Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar được trao giải Nobel Hóa học 2015 vì có công lập bản dồ và lý giải cách tế bào sửa chữa ADN của nó và bảo vệ thông tin di truyền", trích thông cáo của Ủy ban Nobel.
Như vậy, ngoài huy chương và bằng chứng nhận đạt giải Nobel trong lĩnh vực hóa học, ba chuyên gia Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar sẽ cùng chia nhau số tiền thưởng là 8 triệu kronor Thụy Điển, tương đương khoảng 960.000 USD.
Tuấn Anh (Tổng hợp)