- Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 23 thay thế cho Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo đó, thiết bị cũ phải có tuổi không quá 10 năm và phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường mới được phép nhập khẩu.

{keywords}
Máy móc cũ đã sử dụng trên 10 năm sẽ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam. 

Thông tư sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016.

Những quy định này được cho là “thông thoáng” hơn so với Thông tư 20 bị tạm dừng thi hành hồi tháng 8/2014 sau khi có nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội.

Theo thông tư cũ, dây chuyền, thiết bị cũ nhập khẩu về Việt Nam phải đảm bảo 2 điều kiện: Thời gian sử dụng không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất và chất lượng còn lại trên 80%.

Ngoài sửa đổi các điều kiện, thông tư mới cũng đưa ra khá nhiều đối tượng thuộc diện “loại trừ”, không chịu sự quy định của thông tư.

Chẳng hạn các máy móc thuộc Danh mục sản phẩm hang hóa có khả năng gây mất an toàn (Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2), máy móc, thiết bị thuộc ngành in (với mã số HS từ HS 84.40 đến 84.43), máy móc phục vụ phát triển khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu…

Phân biệt đối xử?

Một trường hợp “loại trừ” đáng lưu tâm là đối với thiết bị cũ thuộc các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo đó, nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và đã có quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì không cần áp dụng các điều kiện về tuổi thiết bị cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư 2014 thì những dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc thuộc diện thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là những dự án lớn sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, trên thực tế, quy định này của Thông tư 23 vẫn có sự “thiên vị” đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước đó, tại các dự thảo của bản thông tư thay thế Thông tư 20, sự phân biệt trong các quy định giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân hay các quy định “ưu tiên” cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong dự thảo số 9 của thông tư có quy định rõ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì không cần áp dụng quy định của thông tư.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 3 của Bộ KH&CN hôm 29/9, bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN, đơn vị soạn thảo thông tư đã giải thích rằng, sở dĩ có quy định như vậy là để “đồng hành với với chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”.

(Thông tư) không phải phân biệt đối xử mà là quy định mở để thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, bà Nhung giải thích.

Trước đó, tại một hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài đã thẳng thắn cho rằng, không nên phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp bởi “như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong khi chúng ta đang cố gắng tạo ra sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp”.

Lê Văn