Đó là tuyên bố của các nhà nghiên cứu Mỹ sau khi phát hiện hầu hết các loại kem trị rạn da được bào chế không có căn cứ khoa học.
Nhiều bà bầu bị rạn da do quá trình mang thai. Ảnh minh họa: CCTV |
Theo các nhà nghiên cứu, hiện không có bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường có thể hồi phục các sợi đàn hồi da bị tổn hại do quá trình mang thai hoặc tăng cân đột biến vì béo phì.
Thống kê cho thấy, có tới 90% các bà mẹ bị các vết rạn da trên bụng do các lớp sâu dưới da bị kéo căng hoặc giằng mạnh. Các thai phụ tăng cân quá nhiều hoặc mang đa thai nhiều khả năng bị rạn da, dù một số chị em không có các vết rạn ngay cả sau khi sinh nhiều con.
Giáo sư Frank Wang thuộc Đại học Michigan (Mỹ), khuyên phái yếu không nên tin vào quảng cáo khi nhìn thấy các loại kem hoặc thuốc mỡ hứa hẹn sẽ ngăn ngừa hoặc giảm vết rạn da.
Các chuyên gia da liễu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về những nguyên nhân gây rạn da. Họ cho biết, việc kéo căng da không chỉ là yếu tố nguy cơ duy nhất.
"Hầu hết các sản phẩm trị rạn da hiện có không ra đời dựa trên các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy. Rất hiếm hoặc chẳng có sản phẩm nào chứng minh có thể thực sự ngăn ngừa hoặc khắc phục các vết rạn da hiệu quả", ông Wang nhấn mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, không có sản phẩm trị rạn da nào trên thị trường chứng minh có thể ngăn ngừa hoặc phục hồi vết rạn da. Ảnh: Health News |
Trong nghiên cứu đầu tiên dạng này được đăng tải trên tạp chí British Journal of Dermatology, ông Wang và các cộng sự đã điều trị về những yếu tố có thể gây vết rạn da ở cấp độ phân tử. Bản thân ông Wang đã dành hơn 8 năm nghiên cứu về các vết rạn da do mang thai ở phụ nữ.
Ông Wang nói, do các vết rạn da có thể trầm trọng hóa các stress khi mới làm mẹ ở nhiều phụ nữ, nên việc hiểu rõ hơn về chúng rất quan trọng. Các vết rạn da thành đường chạy dài do quá trình mang thai hiện tấn công khoảng 50 - 90% phụ nữ trên thế giới.
Song, một số người có nguy cơ bị chúng nhiều hơn những người khác. Điều này là do các yếu tố như di truyền, việc tăng cân bao nhiêu trong khi mang bầu, mang một hay đa thai và liệu người phụ nữ có từng bị rạn da trước đó vì nguyên nhân khác, chẳng hạn như béo phì hay không.
Kết quả phân tích các mẫu da của bà bầu có các vết rạn da mới hé lộ, hệ thống sợi đàn hồi trong lớp sâu hơn của da, vốn tạo ra các tế bào mới, đã bị tổn hại vĩnh viễn. Các sợi đàn hồi giúp da phục hồi hình dạng sau khi kéo căng. Một khi hệ thống này bị tổn hại, chủ nhân sẽ có lớp da lùng nhùng và đầy sẹo.
Giáo sư Wang cho rằng, việc tập trung bảo tồn các sợi đàn hồi quan trọng hơn việc sửa chữa các sợi đàn hồi đã bị tổn hại. Và việc đó phức tạp hơn việc chúng ta chỉ thoa hay chà xát thứ gì lên vùng bụng hay đùi bị rạn của mình.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)