Chưa đầy một tuần nữa Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi Khí hậu Liên hiệp quốc COP21 sẽ khai mạc ở thủ đô Paris, nước Pháp, từ ngày 30/11 đến ngày 11/12 năm 2015. Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất về khí hậu từng diễn ra trong lịch sử thế giới với sự tham gia của hơn 190 quốc gia.
Thông tin về những hoạt động hưởng ứng sự kiện đó khá nhộn nhịp từ khắp nơi trên Trái Đất. Không khí đó cũng lan từ mọi nơi, từ Paris đến Hà Nội.
Từ Paris…
Hội nghị Thượng đỉnh Paris có tầm mức to lớn đối với toàn nhân loại vì đây là thời điểm mấu chốt các quốc gia trên toàn thế giới phải đạt được một Thỏa thuận quốc tế mới về khí hậu, áp dụng cho tất cả các nước, nhắm tới mục tiêu duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C và đặt ra khung quy định chuyển tới nền kinh tế giảm thải khí nhà kính độc hại ôxyt cac-bon CO2. Nói cách khác, mục tiêu Hội nghị Paris mà mọi người kỳ vọng là có thể ngăn chặn được hiểm họa biến đổi khí hậu đe dọa xã hội và nền kinh tế của mọi quốc gia trên Trái Đất chúng ta.
Một loạt các giai đoạn khó khăn trở ngại các quốc gia đã phải vượt qua và nhiều cuộc đàm phán lớn nhỏ đã được tổ chức trong suốt năm qua; chủ yếu ở Đức và ở Pháp, để đi đến một bản Thỏa thuận tổng quát đặt lên bàn Hội nghị Thượng đỉnh vào đầu tuần sau, tuần đầu tiên tháng 12 năm 2015 này.
Bỗng, vụ tấn công khủng bố ở giữa thủ đô Paris đã nổ ra ngày 13/11/2015 khiến 130 người thiệt mạng và khoảng 350 người bị thương. Nhưng sự kiện bất ngờ này cũng không cản trở tiến trình đã định của Hội nghị Thượng đỉnh COP21 Paris, dù cũng gây ra những khó khăn nhất định.
Quốc Hội Pháp họp thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp sau vụ khủng bố ngày 13/11/2015. Ảnh: Tác giả Charles Platiau (TTX Pháp) |
Ngay sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu này, lệnh cấm biểu tình, tuần hành và cấm tập trung ở nơi công cộng đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 13/11/2015 và kéo dài ít nhất cho đến ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP21 diễn ra ở Le Bourget, ngoại ô Paris từ 30/11 đến 11/12/2015 với sự tham dự của 138 vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ từ khắp thế giới.
Nhưng, cũng vì lý do an ninh, chính phủ Pháp cũng đã phải hủy bỏ hai cuộc tuần hành lớn dự trù vào hai ngày 29/11 và 12/12/2015 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp còn được tăng cường và kéo dài thêm 3 tháng cũng đã bắt đầu có hiệu lực tại Pháp kể từ 13/11/2015.
Trong bối cảnh căng thẳng nói trên, các nguyên thủ quốc gia được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh COP21 Paris bắt đầu từ ngày 30/11 đều vẫn xác nhận sẽ tham dự.
Nói cách khác, "không ai trong số các nguyên thủ của quốc gia hay chính phủ hủy bỏ sự tham dự các cuộc đàm phán. 138 nhà lãnh đạo vẫn dự kiến có mặt vào ngày khai mạc hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc". Ngoài ra, trong ngày 23/11/2015 mới đây, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết không có các nhà lãnh đạo nước ngoài nào yêu cầu nước Pháp phải hoãn Hội nghị Thượng đỉnh.
Ngoài ra, còn có khoảng từ 40.000 - 45.000 người từ các nước dự kiến sẽ đến tham dự hoặc theo dõi hội nghị ở Paris.
Đến Hà Nội…
Để góp phần vào thành công của Hội nghị COP21 ở Paris, ngay từ một năm trước, ngày 12/11/2014, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu Tuần lễ “Khí hậu thay đổi... còn chúng ta”, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 20/11/2014, với chùm sự kiện, hội thảo, hội nghị, chiếu phim,... xoay quanh chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuần lễ này có thể xem là một trong những hoạt động mở đầu ở Hà Nội của Chính phủ Pháp nhằm hướng tới Hội nghị COP21 diễn ra tại Paris vào đúng một năm sau.
Tiếp theo là một số hoạt động mang tính hỗ trợ vật chất và tinh thần giữa Việt Nam và Pháp. Chẳng hạn, cuộc ký kết bản thỏa thuận tín dụng đã được tiến hành vào chiều ngày 19/05/2015 ở Hà Nội, tại trụ sở Bộ Tài chính của Việt Nam, theo đó Pháp hỗ trợ Việt Nam dưới hình thức cho vay 20 triệu euro dành cho giai đoạn 5 của “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Hoặc để đẩy mạnh hơn chiến dịch cỗ vũ mạnh mẽ Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Khí hậu COP21, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ quán của các Quốc gia thành viên EU đồng tổ chức ở Hà Nội “Ngày Ngoại giao về Khí hậu tại Việt Nam” vào 17/6/2015 với nhiều sự kiện nhằm mục đích trao đổi và sẽ cùng tiến hành những hoạt động chống lại mối đe dọa của hiện tượng “Ấm nóng của Trái Đất” hay “Biến đổi Khí hậu".
Đại sứ một số nước thành viên EU và Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu đạp xe trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội trong “Ngày ngoại giao về khí hậu ở Việt Nam” 17/6/2015. Ảnh: Nguồn ĐSQ Đức. |
Và một năm đã trôi qua. Đến đầu tháng 11 năm 2015 này, vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Paris, cùng với các đối tác Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường v.v…, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam hỗ trợ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Viện Pháp ngữ (“l’Espace”) ở Hà Nội tổ chức một loạt các sự kiện với các chủ đề khác nhau.
Chẳng hạn, ngày 17/11/2015 vừa mới đây, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) tổ chức cuộc Triển lãm ảnh với chủ đề “60 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Viện Pháp ngữ Hà Nội (L'Espace). Triển lãm đã được kéo dài tới ngày 24/11, sau đó tiếp tục được tổ chức tại TP. HCM.
Triển lãm trưng bày cuốn sách ảnh “60 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu” và 21 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Yann Arthus-Bertrand.
Triển lãm "60 giải pháp đối mặt với BĐKH" được tổ chức trong khuôn khổ chương trình. Ảnh: Nguồn từ L'Espace. |
Các bức ảnh này giới thiệu với khán giả những giải pháp mới mẻ và hiệu quả, kết hợp chống biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế. Nhiều giải pháp cụ thể đã đưa ra như: Sử dụng tiết kiệm năng lượng, xây dựng các tòa nhà thông minh, cải thiện giao thông ở những đô thị lớn, xây dựng nhiều đập nhỏ hiệu quả hơn một đập lớn, sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng gió… Cuộc triễn lãm lưu động này đã được tổ chức trước đó, tại các địa phương như các tỉnh Vĩnh Phúc,Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Lào Cai.
Tiếp theo, vấn đề triển khai và phát huy hiệu quả các chiến lược hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn đã được đưa ra thảo luận (kèm theo chiếu phim) dưới chủ đề “Thiên tai và BĐKH, những thách thức cần tính đến trong chiến lược hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn”. Hoạt động được tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)) vào tối 17/11/2015, tại Viện Pháp ngữ (“l’Espace”) ở Hà Nội.
Các đại biểu tham gia diễn đàn “Thiên tai và BĐKH, những thách thức cần tính đến trong chiến lược hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn”. Ảnh: Nguồn Nguồn từ L'Espace. |
Tham gia diễn đàn “Thiên tai và BĐKH, những thách thức cần tính đến trong chiến lược hỗ trợ phát triển các vùng nông thôn” có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và ông Rémi Genevey - Giám đốc AFD tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: Vùng nông thôn là nơi người dân trực tiếp sống nhờ vào năng suất cây trồng từ chất lượng đất, sự vận hành tốt của hệ sinh thái và đặc biệt chịu tác động từ Biến đổi Khí hậu. Ông Thứ trưởng bổ sung và nhấn mạnh sự cần thiết của những biện pháp truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường nhận thức của người dân địa phương về thảm họa Biến đổi khí hậu.
Như vậy, các hoạt động diễn ra khá nhộn nhịp ở nhiều miền trên thế giới cỗ vũ Hội nghị Thượng đỉnh COP21 ở Paris. Không khí đó cũng lan truyền từ Paris đến Hà Nội trong một năm nay và đặc biệt sôi động trong thời gần gần đây.
Hà Nội cũng như tất cả thế giới đang hướng về Paris, về Hội nghị Thượng đỉnh Biến đôỉ Khí hậu LHQ COP21 khai mạc ngày 30 tháng 11 năm 2015 này với niềm hy vọng hun đúc bao nhiêu lâu nay về triển vọng tươi sáng hơn cho Trái Đất, cho loài người chúng ta.
Trần Minh