- Thế giới, đặc biệt Pháp, Đức và một số nước châu Âu đang tiến hành những hoạt động dồn dập tiến đến “Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu” cuối năm nay ở Paris. Và các quốc gia Âu Châu này cũng đang truyền qua Phương Đông không khí đó, mở đầu bằng một hình thức mới mẻ, tổ chức một “Ngày Ngoại giao Khí hậu ở Việt Nam”…


Để tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu năm 2015 (gọi tắt là COP21) tại Paris vào tháng 12 năm 2015 này, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên đề xuất một “Ngày Ngoại giao về Khí hậu” (Climate Day) nhằm mục đích mời gọi và khích lệ mọi công dân châu Âu và cả các châu lục khác trên toàn thế giới tham gia vào các hoạt động tiến đên Hôi nghị COP21 Paris, đồng thời giới thiệu quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) và các hoạt động của các quốc gia thành viên trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bây giờ đến với đất nước Việt Nam. Ngày 17 tháng 6 năm 2015 được chọn làm ngày khởi đầu với tên gọi chính thức là “Ngày Ngoại giao về Khí hậu tại Việt Nam”.

Trong ngày này, nhiều sự kiện được Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ quán của các Quốc gia thành viên EU đồng tổ chức với mục đích trao đổi và sẽ cùng tiến hành những hoạt động chống lại mối đe dọa của hiện tượng “Ấm nóng của Trái Đất” hay “Biến đổi Khí hậu" hoặc giúp các nước dễ bị tổn thương dần thích nghi, dần khắc phục những hậu quả do chúng gây ra.

Mở đầu “Ngày Ngoại giao về Khí hậu tại Việt nam”, ngày Thứ Tư 17/6/2015, một cuộc họp báo được tổ chức trong khuôn viên vườn của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 40 nhà báo thuộc các loại hình khác nhau - báo hình, báo nói, báo điện tử, báo giấy v.v…ở Việt Nam.

{keywords}

Quang cảnh cuộc họp báo “Ngày Ngoại giao về Khí hậu tại Việt nam”, Thứ Tư 17/6/2015, trong khuôn viên vườn của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội. Ảnh: ĐSQ Đức cung cấp.

Cuộc họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp (nước đăng cai và chủ trì Hội nghị toàn cầu về Khí hậu Paris 2015) và Bà Delphine Malard, Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng sự hiện diện của các Đại sứ từ  Đức, Anh, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý.

Một hành động đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, các vị Đại sứ đến địa điểm diễn ra cuộc họp báo trên những chiếc xe đạp thô sơ. Hình ảnh này như muốn gửi tới cộng đồng một lời kêu gọi hãy luôn chăm sóc, giữ gìn và hướng đến một bầu không khí trong sạch đối với khí nhà kính CO2.

{keywords}

Đại sứ một số nước thành viên EU và Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu đạp xe trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội trong “Ngày ngoại giao về khí hậu ở Việt Nam” 17/6/2015. Ảnh: ĐSQ Đức cung cấp.

Tại buổi họp báo, Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị Thượng đỉnh COP21 là thông qua một văn kiện mang tính pháp lý ràng buộc các quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Đại sứ Jean-Noel Poirier cho biết thêm, vào ngày 18/6/2015, Đại sứ lưu động Pháp về biến đổi khí hậu sang thăm Việt Nam và có buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các vấn đề liên quan tới chống “Biến đổi Khí hậu”.

Bà Delphine Malard, Đại biện Lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, rằng Liên minh châu Âu, nhân danh 28 quốc gia thành viên, đang theo đuổi những mục tiêu tham vọng với một cam kết mang tính pháp lý tại COP21. Theo đó EU sẽ tuyên bố đóng góp ở mức lớn nhất, cắt giảm ít nhất 40% khí thải nhà kính (so với năm 1990) vào năm 2030, và 50% vào năm 2050. EU cũng cam kết cung cấp tới 14 tỷ euro cho các nước khác để chống “Biến đổi Khí hậu” trong vòng 7 năm tới, tức 2 tỷ euro mỗi năm.

Riêng đối với Việt Nam, các nước Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý… đều đã và đang có các chương trình hỗ trợ Việt Nam chống “sự nóng lên của Trái Đất” hay chống“Biến đổi Khí hậu (BĐKH)”. Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, rằng tính từ năm 1990 tới nay, EU đã tài trợ hơn 600 triệu euro không hoàn lại cho các dự án và chương trình cụ thể tại Việt Nam.

Tại buổi họp báo các vị đại sứ các nước thành viên EU đều chia sẻ các kinh nghiệm quý báu về ứng phó với BĐKH của nước mình với Việt Nam. Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever đánh giá Việt Nam có chính sách tốt về ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn nhiều nhà máy phát điện bằng năng lượng hóa thạch, và Việt Nam cần tận dụng công nghệ mới của thế giới để phát triển một nền kinh tế các-bon thấp.

Trong khuôn khổ “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu”, tại Việt Nam còn diễn ra các hoạt động như tổ chức chiếu phim “Age of Stupid” cho rộng rãi công chúng xem. Hoặc tổ chức cuộc “Thi tìm hiểu về BĐKH” từ 18-24/6/2015 trên mạng xã hội www.facebook.com/EUandVietnam và Twitter (@EUDelegationVN) của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Một không khí mới mẻ hưởng ứng các hoạt động sôi nổi trong những tháng qua ở Geneve, Paris, Bonn…bắt đầu lan tỏa ở Hà Nội với “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu”.

Minh Trần