Thông qua một nghiên cứu kéo dài tới 9 năm, các nhà khoa học phát hiện trường hợp kỳ lạ về một loài giun ký sinh làm gia tăng khả năng sinh sản của phụ nữ, mở ra triển vọng về một cách chữa trị vô sinh và hiếm muộn mới.

{keywords}

Các cá thể giun tròn Ascaris lumbricoides trưởng thành. Ảnh: Health

Theo nghiên cứu đối với 986 phụ nữ bản địa ở Bolivia, việc nhiễm giun tròn Ascaris lumbricoides dẫn tới kết quả là họ sinh thêm trung bình 2 đứa con nữa. Các nhà nghiên cứu nhận định, loài giun ký sinh có thể đã làm thay đổi hệ miễn dịch khiến phái yếu dễ "dính bầu" hơn.

Báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science ghi nhận, số con trung bình của một phụ nữ Tsimane ở Bolivia là 9. Và khoảng 70% số phụ nữ thuộc bộ tộc này bị nhiễm giun ký sinh. Trong khi đó, tới 1/3 dân số thế giới cũng đang chung sống với các chứng nhiễm trùng như vậy.

Mặc dù Ascaris lumbricoides được phát hiện làm tăng khả năng sinh sản ở những phụ nữ bị chúng ký sinh, nhưng giun móc lại gây ra tác động ngược lại, dẫn việc giảm số con sinh ra trong thời gian bị nhiễm ký sinh trùng này.

Giáo sư Aaron Blackwell, một trong những nhà nghiên cứu đến từ Đại học California Santa Barara (Mỹ), cho biết, các ảnh hưởng trên lớn đến không ngờ. Theo ông, hệ miễn dịch của người phụ nữ thay đổi một cách tự nhiên trong quá trình mang bầu để cơ thể không chối bỏ bào thai. Việc nhiễm giun ký sinh có khả năng đã làm thay đổi hệ miễn dịch của phái yếu theo cách tạo ra thuận lợi hoặc bất lợi hơn đối với việc mang bầu.

{keywords}

Việc nhiễm giun tròn Ascaris lumbricoides khiến phụ nữ Tsimane ở Bolivia sinh thêm trung bình 2 đứa con nữa. Ảnh: BBC

Giáo sư Blackwell nói thêm rằng, phát hiện mới đang làm dấy lên hy vọng sử dụng giun ký sinh như một cách chữa trị sinh sản tiềm năng. Dù đây là một triển vọng hấp dẫn, nhưng chuyên gia này cảnh báo, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi các nhà khoa học có thể đề xuất cho ai đó thử áp dụng cách làm này.

Giáo sư Rick Maizels, một chuyên gia về giun ký sinh và hệ miễn dịch, bày tỏ: "Thật kinh khủng khi biết các ảnh hưởng của giun móc lại lớn đến như vậy. Một nửa số số phụ nữ trong độ tuổi 26 hoặc 28 vẫn chưa thể mang thai và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống".

Ông Maizels giải thích, vi khuẩn và các chứng bệnh nhiễm khuẩn luôn cố gắng "qua mặt" hệ miễn dịch bằng cách tăng trưởng số lượng tới mức bùng nổ, nhưng các ký sinh trùng thì làm điều ngược lại, sinh trưởng chậm và cố gắng ức chế hệ miễn dịch. Đó là lí do tại sao ký sinh trùng khiến các vắc-xin kém hiệu quả hơn và làm giảm mức độ dị ứng. Giun ký sinh cũng có thể gây ra bệnh thiếu máu và dẫn đến việc vô sinh và hiếm muộn theo cùng cách như vậy.

Quay trở lại với khám phá về việc nhiễm giun tròn Ascaris lumbricoides khiến phụ nữ mắn đẻ hơn, giáo sư Allan Pacey, một nhà khoa học về tình trạng vô sinh và hiếm muộn thuộc Đại học Sheffield (Anh), coi đây là một phát hiện thú vị. Nó có thể dẫn tới sự ra đời của các loại thuốc tăng cường khả năng sinh sản mới, hiệu quả hơn.

Tuấn Anh (Theo BBC)