Mẫu oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit của Không quân Mỹ được coi là lá cờ đầu trong kho vũ khí tấn công tầm xa của nước này và hiện vẫn là máy bay ném bom tàng hình tầm xa duy nhất trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN




Theo đánh giá của các chuyên gia, máy bay B-2 Spirit là một trong những loại phi cơ có khả năng chống chịu tốt nhất trên thế giới. Những khả năng độc nhất vô nhị, kể cả tính năng tàng hình, đã cho phép loại máy bay này thâm nhập các hệ thống phòng vệ phức tạp nhất và đặt các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt, có giá trị cao của kẻ thù vào vòng nguy hiểm.


B-2 được coi là một trong những loại phi cơ có khả năng chống chịu tốt nhất trên thế giới và cũng là mẫu oanh tạc cơ đắt nhất trong lịch sử hàng không trên thế giới. Ảnh: airforce-technology.com

B-2 cũng được coi là loại máy bay chiến đấu đắt nhất trong lịch sử hàng không trên thế giới. Tính chính xác cả chi phí nghiên cứu và phát triển, giá trị mỗi chiếc B2 vào thời điểm hiện nay khoảng 2,1 tỷ USD.

Mỹ đã cho các oanh tạc cơ B-2 thể hiện khả năng ưu việt trong nhiều bối cảnh chiến đấu, gần đây nhất là trong cuộc chiến xâm lược Iraq và chiến dịch oanh tạc Lybia.

Cấu tạo của một chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2. Ảnh: WordPress.

Đây là mẫu máy bay duy nhất của Mỹ quy tụ cả 3 đặc tính tầm xa, trọng tải lớn và tàng hình. Nó có thể bay hơn 11.112km mà không cần tái tiếp nhiên liệu và hơn 18.520km với chỉ một lần tái tiếp nhiên liệu trên không. Với khả năng chở hơn 20 tấn vũ khí hạt nhân và thông thường cũng như chuyển phát chúng một cách chính xác dưới mọi điều kiện thời tiết, B-2 cũng có thể thay đổi cục diện một cuộc xung đột bằng một sứ mệnh duy nhất.

Máy bay B-2 có thể chuyên chở và thả được mọi loại bom với hình dạng và kích cỡ khác nhau. Ảnh: airforce-technology.com

Tập đoàn Northrop Grumman, nhà thầu chính sản xuất B-2, đang dẫn đầu một nhóm chuyên gia làm việc với Không quân Mỹ để hiện đại mẫu oanh tạc cơ tàng hình này nhằm đảm bảo nó vẫn luôn có thể hoàn thành mọi sứ mệnh chống lại các nguy cơ đang nảy sinh khắp thế giới. Hàng loạt các chương trình cập nhật đang cải thiện khả năng hủy diệt; khả năng thu thập, xử lý và truyền tải thông tin chiến trường tới các chỉ huy lực lượng phối hợp hoặc các đơn vị phản ứng địa phương đầu tiên trên khắp thế giới; cũng như khả năng tiếp nhận thông tin mục tiêu bổ sung trong một sứ mệnh.

Một chiếc B-2 có thể di chuyển từ căn cứ tới vùng xung đột ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng vài giờ. Ảnh: airforce-technology.com

Đội máy bay B-2 ban đầu của Mỹ gồm 21 chiếc, nhưng hiện chỉ còn lại 20 chiếc sau sự cố tháng 2/2008 khi chiếc Spirit of Kansas bị rơi lúc cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam - vụ tai nạn đầu tiên kiểu này trong 19 năm hoạt động của máy bay B-2. Kể từ năm 1989, các oanh tạc cơ B-2 đã thực hiện hơn 14.000 chuyến bay với tổng cộng hơn 75.000 giờ bay mà, không tính đến vụ nổ chiếc Spirit of Kansas.

Giới chức Mỹ tiết lộ, 19 chiếc B-2 hiện đang đồn trú tại căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri - trụ sở của phi đội ném bom 509. Trong khi đó, chiếc máy bay B-2 còn lại được sử dụng cho việc thử nghiệm các chuyến bay tại căn cứ không quân Edwards, bang California nhằm kiểm tra các phần mềm và hệ thống nâng cấp vũ khí.

Thanh Bình (Tổng hợp)