TIN LIÊN QUAN
Hành tinh lớn nhất mới được phát hiện là HD 85512b, có kích thước lớn hơn 3,6 lần so với Trái đất và nằm trong chòm sao Vela cách hành tinh của chúng ta 36 năm ánh sáng. HD 85512b cũng là hành tinh duy nhất trong số những hành tinh mới được phát hiện nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống của Hệ sao mà nó quay quanh.
Ảnh minh họa của siêu Trái đất HD 85512. |
Trong nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học cũng cho biết hơn nửa số ngôi mà các hành tinh mới được phát hiện quay quanh giống với Mặt trời của chúng ta. Rất nhiều hành tinh có trọng lượng nhẹ hơn sao Thổ trong Hệ mặt trời.
Các nhà thiên văn đã phát hiện 50 hành tinh trên nhờ sử dụng kính thiên văn HARPS đặt tại Đài thiên văn Southern Observatory của Cơ quan vũ trụ châu Âu ở Chile. Kính thiên văn HARPS có thể phát hiện được lực hấp dẫn của những hành tinh nhỏ như Trái đất.
“Việc phát hiện ra ra HD 85512 vượt xa giới hạn của kính thiên văn HARPS. Điều này mở ra khả năng phát hiện những siêu Trái đất khác trong vùng có thể tồn tại sự sống quanh những ngôi sao tương tự Hệ Mặt trời của chúng ta”, tiến sĩ Michel Mayor, thuộc trường đại học Geneva (Thụy Sỹ), cho biết.
Một hành tinh được gọi là ‘siêu Trái đất’ khi nó có kích thước từ bằng cho đến gấp 10 lần Trái đất. Những hành tinh này rất được các nhà thiên văn học quan tâm bởi vì chúng có thể sở hữu môi trường để phát triển sự sống tốt hơn trên hành tinh của chúng ta.
Một trong những thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Lisa Kaltenegger, thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và Viện thiên văn Max Planck, cho biết rằng những phát hiện mới này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong việc tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống.
Khi việc tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ mặt trời được bắt đầu cách đây hơn 15 năm, các kính thiên văn được sử dụng chỉ có thể phát hiện hiện những hành tinh khổng lồ như sao Mộc trong Hệ mặt trời. Nhưng kể từ đó, kỹ thuật và công cụ được sử dụng để tìm kiếm đã trở nên hiện đại và nhạy bén hơn nhiều.
Hà Hương