Tối ngày hôm qua (17/11), tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-8 của Trung Quốc đã trở về Trái đất thành công sau khi bay quanh quỹ đạo Trái đất trong hơn 2 tuần và 2 lần ghép nối thành công với mô-đun Thiên Cung-1.
Các chuyên gia của Trung Quốc đang kiểm tra Thần Châu 8. Ảnh: Ifeng. |
Sự kiện tàu Thần Châu-8 trở về Trái đất thành công sau hơn 2 tuần bay trong không gian cho thấy tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ. Điều này hoàn toàn đối lập với những khó khăn của Mỹ khi họ phải chấm dứt chương trình tàu con thoi vào mùa hè vừa qua hay nhưng thất bại trong việc phóng tàu vũ trụ của Nga trong thời gian gần đây.
Tàu vũ trụ Thần Châu-8 được phóng lên không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 1/11. Sau đó hai ngày, tàu Thần Châu-8 đã ghép nối thành công lần thứ nhất với mô-đun Thiên Cung-1 ở độ cao cách mặt đất 240 km. Sau đó, tàu Thần Châu-8 và Thiên Cung-1 tiếp tục bay cùng nhau trong vòng 12 ngày trước khi tách nhau ra và ghép nối trở lại.
Những thành công trên có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch xây dựng Trạm không gian của Trung Quốc vào năm 2020. Trung Quốc dự định sẽ phóng hai tàu vũ trụ vào năm 2012 để ghép nối với với mô-đun Thiên Cung-1, trong đó, ít nhất một tàu vũ trụ có người lái.
Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên vào năm 2003. Người có vinh dự lái tàu vũ trụ đầu tiên của Trung quốc là phi hành gia Dương Lợi Vỹ. Ông đã lái tàu vũ trụ bay quanh Trái đất 14 vòng. Năm 2008, Trung quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga gửi phi hành gia đi bộ trong không gian.
Bên cạnh kế hoạch xây dựng Trạm không gian riêng, Trung Quốc cũng dự định sẽ phóng tàu không người lái khám phá Mặt trăng vào năm 2012 và có thể đưa người lên Mặt trăng vào năm 2020.
Hà Hương