Tỷ lệ tử vong do các bệnh về đường hô hấp do không khí bị ô nhiễm gây ra vào năm 2050 sẽ tăng gấp đôi hiện nay, lên tới 3,6 triệu người – bản báo cáo của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) cho biết. 

Ô nhiễm không khí sẽ giết 3,6 triệu người trong những thập kỷ tới. Ảnh minh họa.
OECD vừa công bố một bản báo cáo “Tình trạng môi trường năm 2050 và những hậu quả” nói về những trở ngại về sinh thái cơ bản mà con người phải đối phó trong 4 thập kỷ tới.

Ô nhiễm không khí sẽ trở thành nguyên nhân tử vong “tự nhiên” làm số người bị chết do các bệnh đường hô hấp tăng gấp đôi. Như vậy 3,6 triệu người trên thế giới năm 2050 sẽ bị chết vì ô nhiễm không khí, vượt quá số người bị chết vì nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém.

Ngoài ra theo đánh giá của OECD, nhân loại sẽ phải bỏ ra những khoản chi phí khác nữa để tồn tại. Ví dụ nhu cầu nước trên toàn thế giới tăng 55% và gần 40% dân số Trái đất hoặc 2,3 triệu người nghĩa là lớn hơn ngày nay sẽ không đủ nước dùng. Cụ thể là, miền bắc và miền nam châu Phi, miền nam và miền trung châu Á sẽ phải chịu đựng nhiều nhất nạn khan hiếm nước.

Các chuyên gia của OECD còn dự báo là năm 2050, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng lên 80%, trong đó 15% ở Bắc Mỹ, 28% ở châu Âu, 2,5% ở Nhật và 112% ở Mexico.  85% nhu cầu được bảo đảm bằng nhiên liệu hóa thạch và như vậy sẽ thải vào khí quyển một lượng khí nhà kính nhiều gấp rưỡi hiện nay, khiến chất lượng không khí càng thêm tồi tệ.

Tổng thư ký OECD là ông Angel Gurria nói: “Chúng ta sẽ trở thành nhân chứng của quá trình sụp đổ ngành đánh cá do đánh bắt quá mức và thiếu nước, một nguyên nhân đưa nông nghiệp vào tình trạng nguy hiểm. Những thay đổi tương tự về môi trường không thể tách rời nhau. Để cải thiện môi trường, phải có sự phối hợp và nỗ lực toàn thế giới".  

Tuấn Hà