Để nghiên cứu ảnh hưởng của tình trạng không trọng lượng tác động như thế nào đối với loài bò sát, các nhà khoa học tại Viện Sinh học thuôc VHLKH LB Nga đang chuẩn bị để đưa lên quỹ đạo 15 con tắc kè cái 4 tháng tuổi.
15 con tắc kè cái sẽ được đưa lên vũ trụ để nghiên cứu. |
Trong quá trình bay trên quỹ đạo, những con tắc kè sẽ được nuôi bằng mọt bột mì sống, đó là thức ăn ưa thích của loài bò sát này. Chúng sẽ là nguồn cung cấp canxi bổ sung. Để những con mọt có thể sống lâu dài và cung cấp đủ chất bổ cho mọt, người ta phải tạo cho chúng môi trường sống có vi khí hậu giống như ở dưới Trái đất mà chúng quen thuộc (đặc biệt là độ ẩm) cùng với thức ăn giàu dinh dưỡng và canxi. Trong những điều kiện như vậy, mọt sẽ sinh sôi nảy nở và bảo đảm cho đủ thức ăn cho tắc kè trong suốt quá trình bay.
Ngay khi những con tắc kè trở về Trái đất, người ta sẽ nghiên cứu chúng một cách cẩn thận những sự biến đổi tất cả các cơ quan nội tạng và các mô của chúng. Người ta sẽ quan sát các băng video ghi lại hoạt động và sự thay đổi tập tính của bầy tắc kè và điều đó giúp các nhà khoa học phân tích một cách tỉ mỉ tác động của tình trạng không trọng lượng đến “hệ lymbic” của chúng.
“Điều này rất có ích đối với chúng ta vì những hành vi tình cảm của con người đều do hệ limbic điều khiển, và hệ này ở tắc kè rất giống với người” – Đại diện của Viện Sinh học nói trong cuộc họp báo.
Hệ limbic (còn gọi là “hệ bản tính) là một hệ thống phức tạp của đường và mạng thần kinh trong não, bao gồm nhiều nhân khác nhau. Hệ này liên quan đến việc biểu lộ bản năng và tình khí trong những hoạt động của các hệ nội tiết và vận động của cơ thể. Nó chi phối các hoạt động sinh tồn (thí dụ tìm thức ăn, chiến đấu) và bảo tồn nòi giống (như sinh sản và chăm sóc con cái), sự biểu lộ sợ hãi, giận dữ, khan khoái, kể cả trí nhớ.
Cần phải nhắc lại rằng trong khi tắc kè ở trên boong của con tàu vũ trụ, người ta không tiến hành bất cứ một thí nghiệm nào khác trên chúng.
Tuấn Hà