- Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng bất thường của nước sông Hồng vừa qua xuất phát từ đầu nguồn. Đây là khẳng định của Ông Mai Đình Định, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai.

Đục ngầu và bốc mùi

Ngày 31/3, nước sông Hồng đoạn qua thành phố Lào Cai đột ngột chuyển màu đục ngầu, có nhiều bọt nổi trôi kín mặt sông, mặc dù ngày hôm trước dòng nước rất trong xanh. Cùng kỳ năm ngoái, hiện tượng dị thường này cũng đã xảy ra.

Kết quả kiểm tra ban đầu mẫu nước tại các điểm có dấu hiệu ô nhiễm cho thấy một số chỉ tiêu về amoni, phốt phát - những chất sinh ra trong quá trình phân hủy hữu cơ - có chiều hướng cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Trước đó, ngày 17/3, đoạn sông Hồng này cũng cạn thấp, cặn bẩn đọng lại ở đáy sông ven bờ thành lớp bùn đen dày chừng 3-5 cm. Những chỗ nước rút, váng bẩn đọng lại thành từng mảng lớn, thâm tím và bốc mùi rất khó chịu.

TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) khẳng định sông Hồng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. "Mực nước xuống quá thấp, chất thải dồn về, dòng sông không còn khả năng tự làm sạch nên ô nhiễm càng trầm trọng hơn, nước đổi màu và bốc mùi hôi thối là điều dễ hiểu".

Nước sông Hồng đoạn chảy qua Lào Cai đục ngầu. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo thông tin của trạm Thủy văn Lào Cai hồi giữa tháng 3, cứ 2-3 ngày dòng sông lại đổi màu, từ màu trong xanh lạ thường chuyển sang màu đục nhạt, bọt nước màu xám nổi đầy trên mặt sông.

Đáng chú ý, số liệu quan trắc của trạm này cho thấy khoảng hai năm gần đây mực nước sông Hồng biến đổi rất thất thường nhất là vào mùa khô, sông thường chảy trái với quy luật tự nhiên và bốc mùi hôi thối.

Cụ thể, mùa khô năm 2010-2011, có thời gian dài mực nước sông Hồng lên xuống như thủy triều: đêm về sáng sớm nước dâng lên, ban ngày lại giảm thấp. Mực nước biến động khoảng 15-25cm/ ngày. Đúng ra vào mùa khô mực nước sông phải giảm thấp dần theo ngày tháng.

Bước vào mùa khô 2011-2012, mực nước sông Hồng cũng biến động rất thất thường. Đặc biệt nhất là vào ngày 3/3/2012, mực nước sông Hồng dâng cao đột ngột, tương đương với một trận lũ nhỏ trong mùa mưa.

Trong lúc nước sông lên cao thì tại Lào Cai lại nhiều ngày không mưa kéo dài. Tiết trời rất hanh khô, sau đó nước sông giảm thấp, cho đến ngày 31/3 mới có mưa rào trên diện rộng.

Ô nhiễm xuất phát từ đầu nguồn

Trả lời VTV, ông Mai Đình Định, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai cho biết: "Sau khi quan trắc, kiểm tra, chúng tôi cũng thấy rằng, nguyên nhân chính có thể khẳng định xuất phát từ đầu nguồn".

Tháng 3/ 2011, khi hiện tượng tương tự xảy ra, trao đổi với báo Người Lao động, ông Lưu Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Lào Cai, cũng khẳng định tình trạng nước sông Hồng bị ô nhiễm là do nước thải và chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp và từ các khu dân cư ở thượng nguồn thải ra.

Sông Hồng, có tổng chiều dài là 1.149 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam bắt đầu từ địa phận thành phố Lào Cai. Riêng đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 510 km.

Tại Việt Nam, sông Hồng chảy qua địa phận của 9 tỉnh thành phố với hàng chục triệu dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ con sông này. Do vậy, ô nhiễm sông Hồng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, cho tưới tiêu trong nông nghiệp, cho việc phát triển vùng thuỷ sản nước ngọt với số lượng dồi dào khoảng trên 100 loài cá cư trú tại các khu vực này.

Mặt khác, mặc dù không ăn trực tiếp nước sông nhưng người nông dân vẫn dùng nước sông Hồng làm nước tưới, với mức độ ô nhiễm như vậy, các nguyên tố như chì và các kim loại nặng khác sẽ tích tụ trong đất đai, ngấm vào rau quả..., trở thành mầm mống cho các bệnh như ung thư và các loại bệnh tật khác.

Hải Tâm (TH)


Ô nhiễm Hà Nội ngang tầm top thế giới
(VietNamNet) - Mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil và Karachi, hai trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
 
Thủ phạm ô nhiễm không khí Hà Nội: Giao thông
Khoảng 60-70% ô nhiễm không khí ở các đô thị Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng là do giao thông gây ra.
 
Việt Nam: Voọc hiếm có cơ tuyệt chủng
Voọc đầu trắng (hay voọc Cát Bà), một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn cây cảnh tự nhiên.