- Trong những ngày qua trên nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đưa tin về sự kiện Tập đoàn Điện năng Tokyo (TEPCO) rút lui khỏi dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
TEPCO muốn tập trung cho việc khắc phục sự cố Fukushima.

Qua tìm hiểu, được biết các cơ quan có liên quan ở Việt Nam như Viện Năng lượng Nguyên tử VN (VAEI), Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận... đều chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía đối tác Nhật về sự kiện trên.

Trao đổi với báo giới, ông Phạm Minh Tuấn, trưởng ban Điện hạt nhân thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chia sẻ, chỉ nhận được thông tin này qua các phương tiện truyền thông.

Theo báo The Japan Daily Press, ngày thứ năm 28/6/2012, TEPCO ra thông báo về chủ trương ngừng xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân cho các nước khác. Vị tân Chủ tịch TEPCO, ông Naomi Hirose, đã đưa ra nguyên nhân cho chủ trương trên là do có quá nhiều việc cần phải làm để giải quyết hậu quả hư hỏng trầm trọng lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Việc này được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu và TEPCO không thể từ bỏ nhiệm vụ trong nước để triển khai xuất khẩu.

Đây không phải động thái đầu tiên của TEPCO. Trước đây, vào tháng 7/ 2011, sau thảm hoạ Fukushima, TEPCO cùng đã từng từ bỏ một dự án nhà máy điện hạt nhân ở Turkey với lý do tương tự.

Theo hãng AFP, TEPCO sẽ rút lui khỏi lịch trình cung cấp và vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy sẽ xây dựng ở Ninh Thuận, Việt Nam. Và theo Jiji Press News Agency, TEPCO từng dự kiến sẽ gửi các kỹ sư qua nhà máy ở Việt Nam để vận hành và bảo dưỡng đồng thời nhận kỹ sư Việt Nam sang các nhà máy ở Nhật để đào tạo.

Sự rút lui nói trên bởi một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất toàn cầu như TEPCO cũng tạo ra chấn động tâm lý nhất định trong xã hội ở các nước liên quan như Nhật Bản và Việt Nam.

Tuy vậy, trong thực tế việc này chỉ chủ yếu làm xáo động đến cơ cấu của Liên doanh Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của Nhật Bản (JINED). JINED được thành lập tháng 10/2010 theo sáng kiến của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, bộ này là đối tác đầu mối của Việt Nam trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Và Hiệp định hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy này được ký kết ở cấp cao hơn, giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Mọi thay đổi trong việc thực thi hiệp định này chỉ quyết định ở cấp chính phủ.

Mặt khác, trong JINED, hai Tập đoàn có cổ phần lớn nhất là TEPCO chiếm 20%, KEPCO (Tập đoàn Điện năng Kansai) chiếm 15% và 7 công ty điện khác có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam như Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries và Innovation Network Corporation of Japan…

Người của TEPCO đang giữ vị trí Chủ tịch Liên doanh JINED. Nhưng trong những biến động gần đây với những khó khăn của TEPCO, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết họ đang xem xét chuyện mời KEPCO tăng cổ phần và thay thế TEPCO trong vai trò đối tác hàng đầu, đồng thời tiếp nhận vai trò Chủ tich JINED.

Ngoài ra, vai trò của TEPCO không phải là nhân tố quyết định đến chính sách hạt nhân của Nhật Bản. Ngoài ra, hiện nay Dự án nhà máy Ninh Thuận 2 đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, tiếp theo lần lượt sẽ là khâu thẩm định dự án, rồi đấu thầu. Và, như ý kiên ông Đỗ Minh Tuấn, “chưa phải TEPCO và cũng chưa phải JINED đã được chọn là nhà cung cấp công nghệ điện năng hạt nhân cho Việt Nam”. Việc chọn lựa nhà đầu tư cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đang còn mở rộng cửa.

Như vậy, lời tuyên bố của TEPCO vừa mới đây, rõ ràng, không thể tạo ảnh hưởng nào đáng kể đến tiến độ thực hiện các Dự án nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam .

Hoàng Hà