>>Nhật Bản bế tắc trong chính sách hạt nhân
Người dân Nhật biểu tình phản đối tái khởi động các nhà máy hạt nhân sau thảm họa Fukushima. |
Như vậy, Nhật Bản đang lên kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào những năm 2030. Đó là một sự thay đổi chính sách lớn đối với một quốc gia nghèo tài nguyên trong khi điện nguyên tử đang còn chiếm tỷ lệ 1/3 điện năng quốc gia. Thông tin này được đưa ra sáng nay, Thứ Năm 13/9/2012, bởi các phương tiện truyền thông Nhật Bản như Tin tức Kyodo, Đài truyền hình NHK …và được truyền tải lại qua báo chí nước ngoài như AFP, Washington Post…
Chiến lược xoá bỏ dần năng lượng hạt nhân dựa trên một bản dự thảo chính sách được đưa ra giữa lúc diễn ra cuộc tranh luận chính trị gay gắt xung quanh 50 lò phản ứng hạt nhân đang sẵn sàng tái khởi động, đây vừa là mối đe doạ vừa là tiềm năng kinh tế của quốc gia.
Sự quay ngoắt 180 độ với điện hạt nhân trong hai thập kỷ tới thể hiện một sự nhượng bộ lớn trước một công chúng đông đảo sợ hãi và chống hạt nhân do sự cố tan chảy nhà máy Fukushima Daiichi tháng ba năm 2011.
Nhưng điều này cũng làm bùng phát những lo âu mới về việc làm thế nào Nhật Bản có thể bù đắp cho sự thâm hụt năng lượng đột ngột và liệu có thể phát triển năng lượng thay thế với giá rẻ. Trong ngắn hạn, Nhật Bản sẽ phải dựa vào nhập khẩu nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch, điều này làm tăng giá điện và tăng cả lượng khí độc gây hiệu ứng nhà kính.
Chính sách mới này vẫn còn phải đối mặt với một số trở lực lớn và cũng có thể bị sửa đổi nếu Thủ tướng Yoshihiko Noda mất chức trong vài tháng tới. Sự phân tích tình hình chính trị ở Nhật dự đoán Đảng Dân chủ cầm quyền của Noda sẽ bị đánh bại trong một cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, mở ra cánh cửa cho Đảng Dân chủ Tự do LDP trở lại nắm quyền. Cho đến năm 2009, LDP cai trị đất nước gần như liên tục nửa thế kỷ, đưa Nhật Bản nổi lên thành một trong những quốc gia phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất của thế giới.
Chính phủ Nhật Bản, dưới thời Noda, đã xem xét 3 phương án chính sách năng lượng dài hạn, trong đó có xóa bỏ hạt nhân. Hai lựa chọn khác là phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân hoặc 15%, hoặc 20 - 25% vào năm 2030. Noda cũng gợi ý một phương án chiến lược thứ tư nữa trong một cuộc tranh luận với các ứng cử viên khác của ban lãnh đạo đảng. Noda thừa nhận rằng đa số dân Nhật Bản muốn có một quốc gia phi hạt nhân, và ông nói rằng đảng của ông ủng hộ từng bước xóa bỏ hạt nhân vào năm 2030.
Cũng nên lưu ý rằng, chiến lược năng lượng của chính phủ vạch ra trước đây, năm 2010, là đẩy mạnh sự phụ thuộc hạt nhân của nước này lên khoảng 50% vào năm 2030. Tuy nhiên, tai nạn nhà máy Fukushima năm ngoái - khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong một phần tư thế kỷ nay – đã buộc phải tính toán lại các kế hoạch xây dựng gần một tá lò phản ứng mới. Và gần đây Noda đã hứa rằng Nhật Bản sẽ không xây dựng các lò phản ứng thêm và cũng sẽ không cho phép các lò phản ứng hạt nhân hoạt động dài hơn 40 năm.
Hiện nay, Nhật Bản đang cho khởi động lại chỉ 2 trong số 50 lò phản ứng hạt nhân có khả năng sử dụng. 2 cỗ máy ở Nhà máy điện hạt nhân Ohi trên bờ biển phía tây này nối vào lưới điện quốc gia vào tháng Bảy sau khi Noda khuyến cáo với công chúng rằng nền kinh tế đất nước sẽ tàn lụi trong ngắn hạn nếu không có điện hạt nhân.
Ngược lại với chiều hướng tình hình trên đây, Doanh nghiệp đầy thế lực của Nhật Bản, Keidanren, cảnh báo rằng nền kinh tế Nhật Bản, ngay trong dài hạn, sẽ bị suy sụp bởi sự quay lưng với năng lượng hạt nhân. Chủ tịch Keidanren, ông Hiromasa Yonekura cho biết đầu tuần này rằng chính sách từng bước xóa bỏ hạt nhân là "không thực tế và không có kết quả".
Theo ước tính của Keidanren, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong năm 2030 sẽ là 7,2 hoặc 7,3% nếu loại bỏ điện hạt nhân, và trái lại sẽ là 6,0 hoặc 6,1% nếu giữ sự đóng góp điện hạt nhân ở mức 20 hoặc 25%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là khoảng 4,4.
Về một điều hứa của Thủ tướng nước Nhật Noda đến giờ vẫn chưa được tiết lộ, nhưng truyền thông Nhật bản đã hé mở: một thông báo chính thức về lộ trình xóa bỏ điện hạt nhân có thể được đưa ra vào cuối tuần này.
Hoàng Hà