- Người dân Sông Tranh 2 đã dần quen và chung sống với động đất. Hiện tượng nước phun trào từ thân đập chính tạm thời đã được khắc phục. Nhưng giờ đây, người dân và chính quyền địa phương lại thêm nổi lo mới từ con đập mang nhiều nguy cơ này…
Bờ vai phải của đập chính có dòng thấm nước chảy qua. Ảnh: Vũ Trung. |
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chính thức công bố kết quả nghiên cứu tại Sông Tranh 2 vào hôm 6/11 mà theo lời ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói là tạm thời yên tâm về động đất và nước thấm phun trào thân đập chính.
Nhưng nỗi lo mới mà lời ông Đặng Phong bảo là sau khi nghe kết luận của các nhà khoa học khẳng định hai bên vai đập có phát hiện dòng thấm chảy qua cần phải được nghiên cứu tiếp để có phương án xử lý.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường, thành viên đoàn khảo sát cho biết trong kết luận nghiên cứu khoa học tại đập thủy điện Sông Tranh 2 rằng: Bờ phải thân đập đã xuất hiện dòng thấm khá lớn. Đáng quan ngại là có nguy cơ dịch chuyển bê tông nếu không được xử lý sớm và dứt điểm dòng chảy thấm ở bờ vai phải của thân đập này.
Điều đáng quan tâm nhất hiện nay sau khi khảo sát và nghiên cứu cho kết quả cả hai vai đập đều có dòng thấm đi qua nhưng bên vai trái thấm ít hơn. Còn vai phải thì phải quan tâm vì dòng thấm lớn và chúng tôi đã đo được kích thước, lưu lượng và độ sâu phát triển, vị trí của dòng thấm qua vai phải. Lưu lượng thấm tương đối lớn nên phải lưu ý và có giải pháp xử lý thì đập mới an toàn tuyệt đối được, TS Bằng cho biết.
Theo giải thích của các nhà khoa học, hiện tượng nước thấm ở hai vai đập chính là rất nguy hiểm nếu không được xử lý dứt điểm. Bởi thân đập Sông Tranh 2 được cắm vào hai đầu núi, dòng thấm từ mặt thượng lưu đập đang thấm qua phần tiếp giáp giữa đập và đá núi. Nếu không xử lý sớm, đập có nguy cơ bị bẻ ngang chứ không phải trượt, trôi đập.
Hiện tượng vỡ núi nơi tiếp giáp với đập đã từng xảy ra với những con đập lớn trên thế giới. Chính vì vậy, việc thấm nước ở hai vai đập chính là nguyên nhân có thể gây vỡ núi và bẻ đập gãy khi áp lực nước lớn… Các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo.
Việc nghiên cứu chưa phát hiện các vết đứt gãy nào chạy qua dưới nền đập, kể cả đứt gãy ngang hay dọc và không có hiện tượng những dòng xói ngầm dưới nền đập. Vì vậy, kết luận nền móng của đập là an toàn. Hiện chỉ lo lắng về dòng chảy thấm ở hai vai bờ đập chính, Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Túc - trưởng đoàn nghiên cứu khẳng định.
Tuy nhiên, theo một nhóm các nhà khoa học khác đang tiến hành nghiên cứu độc lập tại Sông Tranh 2 khẳng định có đứt gãy chạy qua thân đập và sẵn sàng sẵn sàng tranh luận và phản biện bằng những luận cứ khoa học khi nghiên cứu tại Sông Tranh 2.
Hy vọng, với sự công tâm của các nhà khoa học vì sự an nguy của người dân, những “nghi án” khoa học sẽ sớm được làm sáng tỏ giúp chính quyền địa phương và người dân yên tâm hơn về con đập sống chết với sinh mạng của người dân nơi vùng đất này
Vũ Trung