- Phát hiện "phóng xạ liều thấp cũng gây ung thư máu" của các nhà khoa học Mỹ, Ukraina và Nhật là mới mẻ về mặt khoa học, hệ trọng về mặt bảo vệ sức khoẻ con người.

Các chuyên gia y tế kiểm tra nồng độ phóng xạ cho người dân sống gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau sự cố năm 2011.

Một kết quả mới về sự tác động đến sức khoẻ con người khi phơi nhiễm phóng xạ (tức chịu một liều chiếu xạ) ở liều thấp nhưng kéo dài đã được các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California, San Francisco, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Y tế bức xạ ở Ukraina vừa công bố trên Tạp chí Environmental Health Perspectives, số ra ngày  8/11/2012.


Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA và Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân của nhiều nước, đối với dân chúng nên áp dụng một liều nhiễm giới hạn là 5 mSv (milisievert) trong một năm, còn đối với những người làm nghề phóng xạ thì giới hạn đó là 50 mSv.

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, trong môi trường sống và làm việc, một liều chiếu phóng xạ khoảng dưới 50 mSv/năm cũng được xem là liều thấp và không ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ của con người. Nhưng ảnh hưởng này như thế nào nếu thời gian phơi nhiễm phóng xạ kéo dài? Các kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives đã cố gắng bước đầu làm sáng tỏ câu hỏi này.

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Ukraina thực hiện cuộc điều tra tình hình sức khoẻ của 110.645 công nhân trực tiếp tham gia quét dọn tại Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Chernobyl (Ukraina) từ khi xảy ra thảm họa (1986) đến năm 2006. Trong số công nhân trên, 57% số người bị phơi nhiễm tích luỹ trong 10 năm, và 78% phơi nhiễm dưới mức 200 mSv. Họ phát hiện ra rằng, trong tổng số công nhân được khảo sát có 137 người mắc bệnh ung thư máu, trong số này 79 người mắc bệnh ở thể mãn tính.

Sau khi loại bỏ các yếu tố di truyền và các ảnh hưởng khác có khả năng gây ra ung thư máu, nhóm nghiên cứu đưa ra con số sác suất xấp xỉ 16% trường hợp ung thư máu phát hiện trong khoảng thời gian 20 năm có thể được xác định là do phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.

Như vậy, phơi nhiễm phóng xạ ở liều thấp đối với công nhân tham gia dọn dẹp Chernobyl làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư máu. Điều này, theo kết luận của nhóm nghiên cứu, hoàn toàn phù hợp về mặt thống kê với các tính toán đối với những nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 còn sống sót.

Rõ ràng, tác động của phơi nhiễm phóng xạ liều thấp, nhưng kéo dài, đối với sức khoẻ của con người là không thể xem nhẹ. Sự phát hiện này rất bổ ích, trong việc đánh giá những tác động của phơi nhiễm phóng xạ liều thấp, nói chung, và của việc phơi nhiễm phóng xạ trong khi sử dụng thiết bị y tế, nói riêng.

Dẫn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Ukraina trên đây, Thời báo Nhật Bản liên hệ với sự cố nóng chảy nhiên liệu tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ở đây, từ ngày 11/3/2011, Tổng Công ty Điện lực Tokyo (gọi tắt là TEPCO) nâng ngưỡng phơi nhiễm phóng xạ tối đa cho phép đối với công nhân viên nhà máy lên 250mSv/năm so với mức cũ là 100 mSv/năm.

Cũng theo Thời báo Nhật Bản, Ông Keigo Endo, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Kyoto, đồng thời là một chuyên gia an toàn bức xạ cho biết thêm: Có những số liệu độc lập khác trước đó cho thấy nguy cơ gia tăng khả năng bị bệnh máu trắng của những người phơi nhiễm phóng xạ ở liều tích luỹ thấp khoảng 120mSv.

Các phát hiện của các nhà khoa học Mỹ, Ukraina và cả Nhật là mới mẻ về mặt khoa học, hệ trọng về mặt bảo vệ sức khoẻ con người và rất cần thiết phải nghiên cứu tiếp tục một cách sâu sắc và đầy đủ hơn.

Minh Trần